Ước mơ của cô gái Gia Lai giành HCV Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới
Cô gái Gia Lai vừa xuất sắc đoạt HCV Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới cho biết, ước mơ của em là chữa dứt điểm bệnh ung thư cho nhân loại.
Lê Nhật Minh - cô học trò xinh xắn lớp 11C2A - trường THPT chuyên Hùng Vương của Phố núi Gia Lai vừa xuất sắc giành tấm huy chương vàng Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới 2020 (WICO), với đề tài Nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano đất hiếm - kháng thể (TMC), định hướng điều trị đích căn bệnh ung thư thuộc lĩnh vực Y học chuyển dịch.
Đây là kết quả sau hơn một năm dày công nghiên cứu, với mong muốn trong tương lai dự án của mình thành công sẽ cho ra đời phương pháp chữa dứt điểm bệnh ung thư cho con người.
“Ung thư là loại bệnh nan y, khó điều trị và có tỷ lệ tử vong rất cao. Em cũng có người thân bị căn bệnh này nên mong muốn tìm ra cách điều trị dứt điểm", Minh chia sẻ về lý do chọn nghiên cứu về bệnh ung thư.
“Hầu hết người bệnh được hóa-xạ trị để diệt tế bào ung thư và phải chịu tác động trên toàn thân, gây ra nhiều tác dụng ngoại ý, nên hiệu quả điều trị thường rất thấp, dẫn đến tử vong. Do vậy, dự án em hướng đến phương pháp điều trị trực tiếp vào tế bào gốc ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành, dựa trên nền tảng của công nghệ nano và liệu pháp miễn dịch”, Minh nói.
Nhật Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ và anh trai đều theo con đường nghiên cứu. Ngay từ nhỏ, em luôn để ý mẹ hướng dẫn các lớp anh chị thực hiện các công trình nghiên cứu nên cảm thấy rất thích thú và mong mỏi khi lớn lên mình cũng được tham gia những hoạt động như thế.
Để đến được với giải thưởng danh giá, Minh không tránh khỏi những lần căng thẳng khi thí nghiệm thất bại. Đây là lần đầu tiên Minh làm nghiên cứu khoa học và mới đang là học sinh lớp 10 nên gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi đề tài hết sức mới mẻ, lượng kiến thức về lĩnh vực này rất sâu và rộng, tài liệu nghiên cứu chủ yếu bằng tiếng Anh nên đòi hỏi bọn em phải thật sự tập trung.
Nhiều khái niệm chuyên ngành Minh phải nhờ đến giáo viên hướng dẫn hay cố vấn khoa học. Quá trình nghiên cứu mất rất nhiều thời gian nên em phải phân bổ, sắp xếp để việc học trên lớp không bị ảnh hưởng nhiều. Có thời điểm phải thức suốt đêm để hoàn thành báo cáo nghiên cứu.
“Thời gian thực nghiệm quá ít, trong khi phải làm hơn 20 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm ít nhất 3 lần, chưa kể những lần thất bại buộc phải làm đi làm lại. Nhiều lần trong em từng le lói ý nghĩ chán nản muốn từ bỏ nhưng rồi nhờ sự động viên của cô giáo hướng dẫn, của gia đình và bạn bè mà em lại tiếp tục làm mãi cho đến lúc thành công mới thôi”, Minh nói.
Chia sẻ về bí quyết chinh phục được huy chương vàng, nữ sinh cho biết, đầu tiên phải tự tin với chính bản thân mình. Sau nữa là đam mê và phương pháp học tập, cần có ý thức tự học, tự nghiên cứu và hệ thống những thông tin đó thành kiến thức của mình. Cùng với đó là nâng cao nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng tiếng Anh để có thể tìm hiểu các thuật ngữ chuyên ngành và tra cứu được nhiều thông tin hơn từ các công trình nghiên cứu đã có.
Sự hỗ trợ tận tình từ gia đình, bạn bè, thầy cô, đặc biệt là sự hướng dẫn, kèm cặp của TS. Phùng Thị Kim Huệ - cô giáo trường THPT chuyên Hùng Vương, đơn vị tài trợ và các chuyên gia đã giúp Minh vững vàng trên con đường tới thành công trên.
TS. Phùng Thị Kim Huệ (cô giáo hướng dẫn) cho biết: “Nhật Minh là cô bé có sẵn niềm đam mê từ nhỏ, rất tự tin và đầy bản lĩnh, với những kiến thức còn thiếu hụt, em luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm.
Tôi cảm thấy đây là đề tài rất thú vị và nhân văn nên từng bước giúp các em hình thành, hoàn chỉnh dự án. Tuy vậy, khó khăn mà cô trò phải đối mặt cũng không ít, nhưng thành quả hôm nay cô trò đạt được xứng đáng với sự cố gắng trong suốt thời gian qua”.
Ngoài huy chương vàng nói trên, năm vừa rồi, nữ sinh còn xuất sắc đạt học sinh giỏi toàn diện với điểm tổng kết trung bình các môn học là 9,2 và giải nhì cuộc thi Sáng tạo TTNNĐ năm 2020.
Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới (WICO) được tổ chức bởi Hiệp hội Phát minh Sáng chế các trường đại học Hàn Quốc và được Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ.
Đây là lần thứ 9 Olympic được tổ chức với sự tham dự của hơn 1.500 người (các nhà sáng chế) từ 25 quốc gia tham gia (Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand,…).
Do tình hình phức tạp của dịch COVID-19, cuộc thi diễn ra từ ngày 21-23/8/2020 theo hình thức trực tuyến tại Seoul Hàn Quốc.