Ước mơ của nghề ve chai

Được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được bảo vệ quyền lợi khi hành nghề, hay đơn giản chỉ là nhận được sự tôn trọng, sự công nhận từ phía xã hội, là ước mơ, khao khát của các cô, các chị đồng nát, ve chai, những người thầm lặng 'nhặt rác cho đời'.

- Tại sao chị lại hành nghề thu gom đồng nát, ve chai? - Bởi vì đâu còn biết làm nghề nào khác!

Ngước ánh nhìn lên sân khấu, người phụ nữ hành nghề thu gom ve chai kể về những ngày tháng bấp bênh do giá phế liệu lên xuống thất thường, những ngày dãi nắng dầm mưa đi hàng chục, hàng trăm cây số trên chiếc xe đạp cà tàng vá chằng vá đụp, hay khi bị ốm phải vay mượn hàng xóm, họ hàng từng đồng tiền ăn, tiền thuốc.

Một bác thu gom đồng nát lớn tuổi hơn cũng bắt đầu chia sẻ về cuộc sống trong khu nhà trọ, chung với mấy chị em đồng nghiệp. Giá nhà chia đầu người là 600 nghìn đồng mỗi tháng, cả điện nước. Với mức giá ấy, đương nhiên chẳng có những tiện ích như điều hòa, tủ lạnh hay bình nóng lạnh. Thế nhưng với thu nhập bấp bênh, đây là sự lựa chọn duy nhất.

Ông Hoàng Đức Vượng giao lưu với những người phụ nữ hành nghề ve chai.

Ông Hoàng Đức Vượng giao lưu với những người phụ nữ hành nghề ve chai.

Rồi lần lượt từng người phụ nữ hành nghề đồng nát, ve chai trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội, dưới sự động viên của ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty VietCycle, đã mạnh dạn kể về những cay đắng, vất vả suốt hàng chục năm "nhặt rác cho đời".

Đó là sự tủi hổ khi chịu ánh nhìn không mấy thiện cảm từ bà con làng xóm, là nỗi lo khi kinh tế đi xuống, tiêu dùng ít lại nên chẳng có phế liệu mà thu gom, trong khi vật giá ngày càng tăng. Rồi nỗi lo lắng về tiền học phí cho con, nỗi xót xa khi bị chèn ép, bắt nạt... những tâm sự lần đầu tiên có cơ hội được bộc bạch.

Người thu gom ve chai chia sẻ chuyện nghề

Người thu gom ve chai chia sẻ chuyện nghề

Trong khán phòng ngày hôm ấy, có khoảng 1/3 các chị, các cô đồng nát, ve chai đã tự mua được cho mình bảo hiểm y tế với mức giá 800 nghìn đồng, để có cái mà dựa vào khi đau yếu, không phải ăn tiêu dè xẻn hay vay mượn hàng xóm lúc ốm bệnh, trái gió trở giời. Tuy nhiên, khi được hỏi về bảo hiểm xã hội, tất cả đều lắc đầu không biết.

Điều đó có nghĩa là những người thu gom rác thầm lặng ấy đã xác định sống với nghề đến khi nhắm mắt, bởi dừng hành nghề là không có thu nhập, không có một khoản lương hưu để có thể yên tâm an dưỡng, nghỉ ngơi khi quá sức.

“Ráo mồ hôi là hết tiền, cứ ốm đau là chịu chết”, ông Vượng nhận xét về nghề thu gom đồng nát, ve chai và phân loại rác tại các làng nghề tái chế.

Nghề ve chai là nghề ráo mồ hôi là hết tiền, ốm đau là chịu chết!

Ông Hoàng Đức Vượng

Chủ tịch VietCycle

Để người ve chai tự tin với nghề

Cùng với ngành tái chế, nghề thu gom đồng nát, ve chai, phế liệu đã tồn tại hơn 40 năm. Trong hơn 40 năm ấy, ngành tái chế èo uột, mãi không lớn nổi, những người thu gom phế liệu cũng chưa có ngày nào ngừng vất vả, ngừng khó nhọc.

Nghề tái chế đã tìm được một hướng đi mới, tìm được cơ hội phát triển mới với những chính sách về kinh tế tuần hoàn hay công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Vui mừng trước cơ hội mới ấy nhưng ông Vượng cùng ban lãnh đạo VietCycle vẫn không tránh khỏi xót xa khi nghĩ đến những người phụ nữ vẫn thầm lặng, mải miết hành nghề ve chai.

Công ty VietCycle tặng quà tri ân những người phụ nữ hành nghề đồng nát, ve chai.

Công ty VietCycle tặng quà tri ân những người phụ nữ hành nghề đồng nát, ve chai.

“Mỗi con người đều có 2 hoạt động diễn ra song song là tiêu dùng và xả thải. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ quan tâm đến tiêu dùng, chưa quan tâm tới khâu xả thải, do đó những người hành nghề ve chai chưa có chỗ đứng trong xã hội”, Chủ tịch VietCycle cho biết.

Cũng chính vì không được quan tâm đúng mức, người hành nghề ve chai phải đối diện với nhiều khó khăn, không nhận được những quyền lợi hay sự bảo trợ tương xứng với những giá trị họ đang tạo ra cho môi trường và xã hội. Vất vả, cơ cực, lại phải chịu những ánh nhìn thiếu thiện cảm, các chị, các cô ve chai, đồng nát luôn cảm thấy tự ti, dù cho công việc của họ là không thể nào thay thế được.

Nhìn nhận đúng vai trò của đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế

Hàng chục năm làm nghề tái chế, cũng là hàng chục năm gắn bó với lực lượng thu gom phế liệu phi chính thức, ông Vượng và ban lãnh đạo VietCycle luôn trăn trở một ước mơ, đó là làm sao có thể tôn vinh những đóng góp thầm lặng, làm sao để hỗ trợ người hành nghề ve chai được hưởng phúc lợi xã hội ở mức cơ bản.

Từ chính nỗi trăn trở ấy, chương trình Hồi sinh rác thải nhựa chính thức được VietCycle triển khai, phối hợp với một số đối tác. Đối với trụ cột Xây dựng hệ thống thu gom, VietCycle đã tặng quà là những chiếc áo bảo hộ phản quang, sản phẩm vệ sinh cá nhân cho những người đồng nát, ve chai, hay tổ chức những buổi trao đổi, hướng dẫn về an toàn lao động.

Tuy nhiên, ông Vượng cho biết, dù rất nỗ lực và có sự đồng hành của những đối tác là doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu như Unilever, Nhựa Duy Tân, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)… nhưng hệ thống của VietCycle chỉ có thể hỗ trợ được khoảng vài nghìn lao động phi chính thức, một con số quá nhỏ so với lực lượng lên đến hàng trăm nghìn hay thậm chí cả triệu người đang ngày đêm mưu sinh trong hệ sinh thái này.

Nghề đồng nát sẽ ra sao khi có công cụ thu gom, tái chế bắt buộc?

Hiều được tầm quan trọng của chính sách và sự chung tay của toàn xã hội, Chương trình Lễ tôn vinh những phụ nữ thầm lặng nghề ve chai tại Hà Nội đã được tổ chức. Bên cạnh sự tham gia, chia sẻ của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền, các tổ chức phát triển, Chương trình dành một thời lượng để các cô, các chị đồng nát, ve chai được nói lên tiếng lòng, được kể về những khốn khó và được nói về những ước mơ.

Ông Vượng kỳ vọng, những tâm sự ấy có thể là tiền đề xây dựng chính sách hay thành lập một tổ chức riêng để đại diện và bảo đảm quyền lợi cho người hành nghề ve chai, đồng nát, từ đó giúp họ có thể tự tin với nghề và được hưởng an sinh xã hội.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/uoc-mo-cua-nghe-ve-chai-1666208232971.htm