Ước mơ của nữ sinh dân tộc Mông thi đỗ Đại học Y Hà Nội

Với điểm số khá cao, cộng với điểm ưu tiên, Ý Cu đỗ vào ngành Y đa khoa-Đại học Y Hà Nội (cơ sở Thanh Hóa). Ở xã Tri Lễ, em là nữ sinh người Mông đầu tiên đỗ vào Đại học Y Hà Nội.

Thò Ý Cu với cô giáo chủ nhiệm Lê Lan Thương. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Thò Ý Cu với cô giáo chủ nhiệm Lê Lan Thương. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Bố và mẹ đau yếu thường xuyên nên Thò Ý Cu, nữ sinh người dân tộc Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) rất hiểu giá trị của việc chăm sóc, chữa trị cho người bệnh.

Không ngừng nỗ lực học tập, Ý Cu ước mơ trở thành một bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho người thân, giúp đỡ gia đình và xã hội.

Nữ sinh người Mông đầu tiên thi đỗ Đại học Y Hà Nội

Sau 4 giờ vượt hàng trăm cây số, chúng tôi đến nhà của Thò Ý Cu, học sinh lớp 12A3, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú số 2 - nữ sinh người dân tộc Mông đầu tiên thi đỗ Đại học Y Hà Nội.

Em sinh ra ở bản Na Niếng, một bản làng xa xôi của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, một trong những huyện nghèo của cả nước.

Nhà có 4 chị em, bố mẹ làm nông nhưng ở bản làng, khi nhắc đến gia đình em, nhiều người nể phục vì tinh thần vượt khó học tập, có tới 3 người con đều thi đỗ và học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2.

Với khát khao được đi học, Ý Cu nỗ lực học tốt từ nhỏ. Đặc biệt, trong khi các bạn cùng trang lứa chủ yếu thiên về các môn xã hội thì em lại rất thích học Toán.

Những bài học Toán đầu tiên của Ý Cu là những phép nhân đơn giản bố em thường đố khi em mới vào Tiểu học.

Lên Trung học cơ sở, vào học trường nội trú của huyện, được thầy cô bồi dưỡng, em đã từng đoạt giải Toán tại Kỳ thi học sinh giỏi huyện và được đi thi cấp tỉnh.

Lên lớp 10, năm đầu học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2, Y Cú giành giải Khuyến khích môn Toán học sinh giỏi của trường.

Y Cu luôn ước mơ sẽ thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, trở thành bác sỹ chữa bệnh cho bố và cho mọi người.

Quyết tâm là vậy, dù học tốt môn Toán nhưng môn Hóa học và Sinh học trình độ của em chỉ ở mức “nhập môn,” nghĩa là làm được các bài ở mức nhận biết, thông hiểu và chủ yếu là lý thuyết.

Để bù vào lỗ hổng kiến thức này, trước Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 3 tháng, mỗi ngày em chỉ ngủ từ 3-4 giờ; ngoài chủ động nhờ thầy cô ở trường hỗ trợ, em hỏi thêm những người bạn và dành thời gian để tự học.

Cho đến lần thi thử cuối cùng, Ý Cu đã tự tin hơn vì điểm số có tiến bộ. Đến kỳ thi chính thức, em phát huy hết năng lực và giành được điểm 8 môn Toán; điểm Hóa 8,75 và đạt điểm 9 môn Sinh học.

Với điểm số khá cao, cộng với điểm ưu tiên, Ý Cu đỗ vào ngành Y đa khoa-Đại học Y Hà Nội (cơ sở Thanh Hóa). Ở xã Tri Lễ, em là nữ sinh người Mông đầu tiên đỗ vào Đại học Y Hà Nội.

Viết tiếp ước mơ trở thành bác sỹ

“Học phí Trường Đại học Y Hà Nội cao như vậy, con có thể chuyển sang học trường nào thấp hơn không?” câu hỏi của bố khiến Thò Ý Cu trăn trở mãi.

Em khát khao được đi học, được trở thành bác sỹ chữa bệnh cứu người, nhưng khả năng của gia đình khó chu cấp nổi, suy nghĩ ấy không chỉ khiến cho Ý Cu mà cả cha mẹ em cũng trằn trọc bao đêm không ngủ được.

Hơn 1 tuần sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn và chính thức trúng tuyển, Thò Ý Cu vẫn chưa biết mình có thể đi học đại học hay không. Em cũng đã nghĩ đến việc phải nghỉ ở nhà đi làm, đỡ đần cho bố mẹ. Bởi riêng tiền học phí một năm học đã 27 triệu đồng, chưa kể đến số tiền sinh hoạt phí hằng ngày, gia đình không đủ khả năng chi trả cho em đi học.

 Đại diện quỹ học bổng “Tiếp sức bác sỹ đến trường” của Trung tâm thẩm mỹ Doãn Lâm tài trợ cho nữ sinh Thò Ý Cu toàn bộ tiền học phí và sinh hoạt phí trong 6 năm học đại học. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Đại diện quỹ học bổng “Tiếp sức bác sỹ đến trường” của Trung tâm thẩm mỹ Doãn Lâm tài trợ cho nữ sinh Thò Ý Cu toàn bộ tiền học phí và sinh hoạt phí trong 6 năm học đại học. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tiếp nhận thông tin nữ sinh người dân tộc thiểu số H'Mông là Thò Ý Cu, nữ sinh đầu tiên của bản nghèo Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, đã thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên có thể sẽ bỏ lỡ ước mơ trở thành bác sỹ cứu người, nhiều tổ chức, cá nhân đã kịp thời động viên, tặng quà hỗ trợ cho em với số tiền gần 10 triệu đồng.

Ngày 4/9/2024, đại diện Quỹ học bổng “Tiếp sức bác sỹ đến trường” của Thẩm mỹ Doãn Lâm là bác sỹ Trần Doãn Lâm đã có buổi về thăm và xác thực thông tin, hoàn cảnh gia đình em Thò Ý Cu.

Ghi nhận nỗ lực khó vươn lên trong học tập của em, Quỹ học bổng đã quyết định tài trợ cho Thò Ý Cu suất học bổng 100% học phí/6 năm học và suất học bổng 100% sinh hoạt phí/6 năm học tại Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa (4 triệu đồng/tháng).

Cô giáo Lê Lan Thương, giáo viên chủ nhiệm của Ý Cu, nhận xét em rất chăm ngoan, siêng năng, khiêm tốn, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Không chỉ là học sinh chịu khó học hỏi, em còn tích cực tham gia các hoạt động do lớp và nhà trường tổ chức. Trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường, Ý Cu rất thân thiện, luôn nhiệt tình giúp đỡ các bạn. Vừa qua, em đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Lữ Văn Cương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, cho biết Tri Lễ là một trong 60 xã nghèo của cả nước. Toàn xã có 2.200 hộ, trong đó có 1.332 hộ nghèo và 522 hộ cận nghèo, điều kiện còn nhiều khó khăn. Bản thân gia đình em Ý Cu là hộ cận nghèo nhưng có truyền thống hiếu học, các con đều chăm ngoan, học giỏi. Việc em đỗ vào Đại học Y Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm vui của bà con dân bản. Tấm gương hiếu học của em sẽ góp phần khích lệ học sinh trong xã vươn lên, học giỏi để sau này về phát triển, xây dựng quê hương bản làng.

Những ngày này, ngôi nhà nhỏ ở bản Na Niếng tràn ngập tiếng cười và niềm hạnh phúc. Nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm, ước mơ trở thành bác sỹ của Ý Cu đang dần trở thành hiện thực.

“Em rất biết ơn các tấm lòng hảo tâm đã thấu hiểu, hỗ trợ, chắp cánh cho ước mơ của em trở thành hiện thực. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức để trở thành bác sỹ giỏi, chữa bệnh cho nhiều người, có ích cho xã hội,” Thò Ý Cu xúc động nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/uoc-mo-cua-nu-sinh-dan-toc-mong-thi-do-dai-hoc-y-ha-noi-post974545.vnp