Ước mơ được 'nổi' của người dân Gò Nổi

Vùng đất Gò Nổi thuộc 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được bao bọc bởi hai nhánh sông trước và sau của con sông Thu Bồn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được so sánh “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi” tức là so sánh sự khốc liệt và lòng dũng cảm kiên cường đánh giặc của nhân dân Gò Nổi. Là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, yêu nước với nhiều nhà thờ họ và nhiều danh nhân, chí sĩ... Chiến tranh đã lùi vào quá khứ và nay Gò Nổi khoác lên mình bộ áo mới với nhiều diện mạo mới.

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Ảnh: NGỌC PHÚC

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Ảnh: NGỌC PHÚC

Giàu truyền thống

Các cụ cao niên cho biết, bãi đất này được hình thành từ quá trình bồi lắng của sông Thu Bồn để trở thành một vùng địa linh nhân kiệt của xứ Quảng. Các nhà phong thủy khẳng định, thế đất Gò Nổi hội đủ những yếu tố tốt nhất của địa lý. Phía Đông, trước mặt Gò Nổi có cù lao Chàm án ngữ mặt tiền, phía Tây có núi Chúa làm hậu chẩm, tả thanh long sông Vĩnh Điện, hữu bạch hổ dãy núi Hòn Bằng…

Trước Cách mạng tháng 8-1945, nhiều người xã Điện Quang học giỏi và đỗ đạt cao. Riêng thôn Bảo An có đến 26 tú tài, 16 cử nhân, 2 phó bảng. Đặc biệt, năm 1898, tỉnh Quảng Nam có 5 thí sinh đều trúng kỳ thi Hội và thi Đình nên được vua Thành Thái (1879-1954) ban tấm biển ghi 4 chữ “Ngũ phụng tề phi” (năm con phụng cùng bay) nhằm chúc, tặng các sĩ tử nói chung và học trò đất Quảng thuở ấy học giỏi. Ngoài tiến sĩ Phan Quang, người quê huyện Quế Sơn, những người còn lại gồm Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến đều là dân Gò Nổi.

Ba anh em Hoàng Diệu, Hoàng Kim Thám, Hoàng Kim Bảng thi khoa trước đỗ, khoa sau cũng đỗ. Cụ Trần Cao Vân là bậc kỳ tài thâm thông Nho học, cụ Phan Thành Tài là nhà tân học đầu tiên của Quảng Nam. Cụ Lê Đình Dương và em ruột Lê Đình Thám cùng học với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Quốc học Huế.

Trong đó, cụ Hoàng Diệu và Lê Đình Dĩnh kế tiếp nhau làm Tổng đốc Thành Hà Nội. Hai anh em chiến sĩ cộng sản, tri thức cách mạng kiệt xuất là Phan Thanh và Phan Bôi. Ba vị Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là bà Lê Thị Xuyến, ông Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) và ông Phan Thao. Đến đầu thế kỷ 20, có 3 nhà báo Lương Khắc Ninh, Nguyễn Bá Trác và Phan Khôi hoạt động ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ngoài ra, còn có 2 nhà toán học hàng đầu Việt Nam là GS Hoàng Tụy và GS Ngô Việt Trung, cả hai người từng là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Đặc biệt, Điện Quang còn là quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Thị Bình (sau bà là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Phan Diễn và cụ Phạm Triêm nhà tổ chức tài ba của Đảng.

Kết thúc chiến tranh, xã Điện Quang được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân với 121 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 1.165 liệt sĩ, 312 thương bệnh binh. Có hơn 200 người (cử nhân đến tiến sĩ) giữ chức vụ qua các thời kỳ, từ thời triều Nguyễn đến Cách mạng tháng 8-1945. Học hàm từ thạc sĩ trở lên sau Cách mạng tháng 8-1945 đến nay có hơn 50 vị. Hiện các nhà nghiên cứu còn đang sưu tầm để bổ sung thêm vào danh sách.

Ông Nguyễn Đức Chơi, nguyên Chủ tịch xã Điện Quang (hiện là Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn), cho biết từng thước đất phù sa ở xứ sở này đều gắn liền tên tuổi các danh nhân. Nếu chỉ tính riêng xã Điện Quang, muốn lập công viên danh nhân thì công viên phải quy hoạch đất thật lớn, nếu không thì không có chỗ để dựng tượng vì mật độ dày đặc.

Mong ước một cây cầu!

Bao đời qua, người dân Gò Nổi một lòng, một dạ hy sinh xương máu để bảo vệ, xây dựng, phát triển quê hương. Tuy vậy, ít ai biết rằng, vùng đất và con người nơi đây còn phải đối mặt với biết bao khó khăn, nhất là về giao thông đi lại. Từ quốc lộ 1, chỉ có con đường nhựa độc nhất kéo dài đến xã Điện Quang. Người dân muốn qua địa phận huyện Đại Lộc phải đi đò rất nguy hiểm. Mỗi lần mưa lụt, nước tràn qua đường, vùng Gò Nổi bị cô lập do nước vây tứ phía, không có lối thoát.

Để giúp người dân bớt khó khăn, những năm qua các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển nhiều dự án kinh tế, du lịch về vùng Gò Nổi. Tháng 5-2018, có 12 hộ nông dân thôn Thạnh Mỹ và thôn Bến Đền Tây (xã Điện Quang) được HTX Nông nghiệp Điện Quang chọn thực hiện thí điểm dự án phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm (mỗi hộ 5 sào đất). Dự án do HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An thực hiện.

Theo ông Cao Văn Khánh (thôn Bến Đền Tây), đây là dự án được người dân địa phương mong chờ vì không chỉ mở ra hướng đi mới, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân mà còn biến ước mơ của những hộ dân vùng đất Gò Nổi thành hiện thực.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho hay dự án được thực hiện sẽ biến vùng Gò Nổi trở thành một trong những địa phương có vùng trồng dâu lớn nhất của tỉnh, nhằm hiện thực hóa ước mơ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa vốn từng hiện diện nơi đây.

Hiện thị xã Điện Bàn đã xây dựng đề án quy hoạch vùng nguyên liệu dâu ven sông Thu Bồn (gồm 3 xã vùng Gò Nổi và 3 xã Điện Hồng, Điện Thọ và Điện Phước, diện tích khoảng 500ha), đã triển khai trồng thí điểm 3ha tại thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang.

Nhằm phục hồi nghề dâu tằm trứ danh một thời, tháng 8-2018, Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ (Chi nhánh Công ty Kraig Biocraft Laboratories - KBL, Mỹ) vừa có buổi làm việc, trình bày dự án trồng cây dâu trên vùng đất Gò Nổi trước UBND thị xã Điện Bàn; tiếp tục mở ra những kỳ vọng về việc hồi sinh nghề ươm tơ dệt lụa vốn một thời hưng thịnh trên vùng đất này.

Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty Jack Tran Tours, (đơn vị đang thực hiện dự án mở đường từ TP Hội An sang vùng Gò Nổi), chia sẻ: “Người dân nơi đây còn chân chất, mộc mạc nên việc mở rộng du lịch lên hướng Gò Nổi về lâu dài sẽ phát triển. Đặc biệt, nếu phát triển du lịch theo hướng trồng rau sạch và trồng dâu nuôi tằm thì quá tốt. Trong đó, trồng dâu nuôi tằm là tour độc đáo. Có thể đưa khách về đây bằng ô tô, sau đó đi xe đạp, xe máy về vùng ven để trải nghiệm cuộc sống người dân. Ngoài ra, cũng có thể tổ chức du lịch đường sông cho du khách lưu trú trên thuyền”.

Ngoài ra, để phát triển du lịch theo hướng nông nghiệp sạch dựa vào lợi thế với điểm dừng chân gắn kết 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn bằng đường thủy, Công ty TNHH MTV Giang Hải đang xúc tiến đầu tư dự án du lịch vào Gò Nổi, diện tích gần 100ha, kinh phí đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Dự án đã được quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đang chờ quy hoạch chi tiết 1/500. Dự kiến sau 5 năm triển khai dự án sẽ đi vào hoạt động.

Giám đốc Công ty TNHH Trải nghiệm sinh thái E Tour Hội An, ông Lê Hoàng Hà, cho biết dù các điểm Gò Nổi vẫn còn mờ nhạt nhưng vẫn có thể làm du lịch được nếu biết ghép tuyến điểm phù hợp, như xây dựng nơi đây thành điểm dừng chân trên tuyến Hội An - Mỹ Sơn; khách về đây dừng chân dùng cơm trưa, sau đó trải nghiệm khung cảnh làng quê trong khoảng thời gian nhất định”.

Về vấn đề cây cầu bắc qua huyện Đại Lộc để giao thông thông thương, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho hay xây dựng cây cầu là việc ngoài thẩm quyền của thị xã nhưng trong quy hoạch giao thông của tỉnh có đưa vào. “Vì đây cũng là một trong những công trình cấp thiết để phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, việc xây dựng cây cầu này nằm trong chiến lược dài hạn vì dự án lên đến gần ngàn tỷ đồng nên cấp tỉnh còn phải cân nhắc ở góc độ ưu tiên những vùng trũng thấp nhiều hơn. Trong các buổi tiếp xúc cử tri vùng Gò Nổi, thị xã đã có đề xuất tỉnh nhưng có thể Sở KH-ĐT sẽ đưa dự án này vào nhiệm kỳ sau tầm 2021-2025”, ông Trần Úc dự báo.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/uoc-mo-duoc-noi-cua-nguoi-dan-go-noi-576624.html