Ước mơ 'màu da cam'

Những đứa trẻ ngây thơ giải thích với tôi, những khiếm khuyết của cơ thể của chúng là do 'da cam'. Nhưng hỏi 'da cam' là gì? Bọn trẻ không biết. Không ai muốn kể lại cho những tâm hồn bé thơ ấy nghe về sự khốc liệt của chiến tranh. Tôi nói với bọn nhỏ rằng, màu 'da cam', đó là màu của nghị lực, của khát vọng và của ước mơ…

Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin tại Pháp tặng quà nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin tại Pháp tặng quà nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Cô bé Thanh Huyền (thành phố Ninh Bình), năm nay học lớp 6. Tôi không dám hỏi bé bao nhiêu tuổi, vì tôi biết rằng, để lên được lớp 6, cô bé sẽ mất nhiều thời gian hơn các bạn. Hỏi về ước mơ, bé im lặng thật lâu. Chắc rằng cô bé đang chọn lựa để nói ra điều mà mình ước ao nhất, trong rất nhiều điều mà bé mong muốn.

"Cháu mong mình khỏe, để được đến trường, để bố mẹ không vất vả vì cháu nữa. Cháu cũng mong được mặc những bộ váy đẹp, được múa hát trên sân khấu vào dịp Tết Trung thu như các bạn..."- giọng cô bé nhỏ dần. Cô bé đang đối diện với một ước mơ lớn hơn sức tưởng tượng và có lẽ, đây là số ít lần bé tự nói lên ước mơ của mình.

Cậu bé Mạnh Vũ chuẩn bị lên lớp 3. Còn quá nhỏ để nói về ước mơ xa xôi trong tương lai. Nhưng khi hỏi cháu thích gì? Vũ tươi tắn trả lời rằng cháu thích ăn… socola. Người thân của cháu giải thích thêm rằng, dịp Tết năm ngoái, một đoàn thiện nguyện đến thăm và tặng quà cho gia đình cháu thì một cô trong đoàn đã cho cháu một viên socola. Cháu ăn và tấm tắc khen mãi. Từ đó đến nay, cháu chưa được ăn thêm lần nào. Có lẽ vì vậy, mà viên socola trở thành niềm mơ ước của cháu.

Đó là những ước mơ thật đẹp đẽ của 2 trong tổng số 21 trẻ em gián tiếp qua ông bà, bố mẹ, trở thành đời thứ 3 bị ảnh hưởng bởi di họa da cam mà tôi được lắng nghe trong buổi gặp mặt, tặng quà của Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp (VNED) vừa qua. Những đứa trẻ lớn hơn thì bảo rằng, cháu vẫn hay viết những điều mình mong ước ra giấy, chứ chưa dám nói với ai cả. Tật nguyền đã không ngăn được bọn trẻ sống và mơ ước.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh bảo rằng bản thân ông cũng là nạn nhân của chất độc da cam. Nhưng những đau đớn do bệnh tật giày vò ấy không thấm vào đâu so nỗi đau khi chứng kiến đứa con ruột thịt của mình ngẩn ngơ vì di họa da cam. Từ đứa con ruột thịt của mình, tiếp xúc thêm với nhiều đứa trẻ khác, ở đủ mức độ nặng, nhẹ khác nhau, ông Đức thấy rằng, tất cả những đứa trẻ không may mang trong mình chất độc da cam từ ông bà, bố mẹ ấy đều có khát vọng rất thơ ngây, đẹp đẽ.

Ông Đức kể: Tôi từng gặp một cô bé chưa một lần được đến trường vì đôi chân bại liệt nặng, nhưng cô bé đã tự học chữ để biết đọc, biết viết. Lớn hơn, cô bé muốn nhìn cuộc sống rộng rãi hơn, chứ không phải chỉ riêng khoảng trời sau khung cửa sổ. Cô bé được tặng một chiếc máy vi tính. Từ đây, một cuộc sống sôi động đã mở ra, cô bé lại tìm tòi học thêm nhiều kiến thức, học thêm ngoại ngữ, kết bạn với nhiều người cùng cảnh… Còn đối với con gái tôi, đến bây giờ, khi đã 37 tuổi và nặng gần 1 tạ, con vẫn hàng ngày nói với tôi về ước mong của mình. Đó là được khỏe mạnh hơn, gầy hơn, để bố mẹ đỡ vất vả vì phải chăm sóc mình.

Từ ngày về hưu, công việc chính của vợ ông Đức đó là chăm sóc mọi sinh hoạt cho cô con gái có cân nặng gần 1 tạ- một thách thức quá lớn đối với người phụ nữ nhỏ bé đã bước qua tuổi 60 như bà.

"Chúng tôi lo lắm. Sau này, khi chúng tôi già yếu rồi về với tổ tiên, con gái sẽ như thế nào. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng để chăm sóc cho con. Còn nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn như thế này..."- người đàn ông kiên cường trở về từ cuộc chiến đã phải rơi nước mắt.

Ông Đức kể cho tôi nghe thêm về trường hợp của bà Vũ Thị Luyến ở huyện Hoa Lư. Từ ngày chồng mất sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật do chất độc da cam gây ra, một mình bà Luyến phải chăm sóc cho 4 đứa con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố. Cả 4 đứa con bị thiểu năng trí tuệ và béo phì.

Kiên cường khắc phục mọi khó khăn để chăm sóc mọi sinh hoạt cho những đứa con có cân nặng gấp đôi, gấp ba bản thân mình, nỗi lo lớn nhất đối với bà Luyến là ai sẽ là người thay bà chăm sóc cho 4 đứa con, nếu một ngày nào đó bà cũng đi theo chồng. Bà Luyến cũng chia sẻ rằng, bà mong có những Trung tâm chăm sóc nạn nhân da cam đời thứ 2, thứ 3. Có như vậy, bậc làm cha mẹ như bà mới an lòng.

Trên địa bàn tỉnh ta có trên 3.000 người nhiễm chất độc da cam trực tiếp; trên 1.900 nạn nhân gián tiếp (đời thứ 2) và khoảng trên 200 đứa trẻ là thế hệ thứ ba của chất độc da cam. Những năm qua, bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân cũng luôn đồng hành chia sẻ về vật chất, tinh thần đối với những nạn nhân da cam.

Điển hình như Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp (VNED). Đây là tổ chức tự nguyện của những người dân nước Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, được thành lập năm 2001, với mục đích giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.

Từ năm 2004 đến nay, Hội VNED phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình trợ giúp cho trên 50 trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền trợ giúp là trên 2 tỷ đồng thông qua 3 hình thức trợ giúp: nhận đỡ đầu, trao học bổng và cho vay vốn không tính lãi.

Hội Nhật Bản yêu Việt Nam hằng năm cũng trao học bổng cho các đối tượng là học sinh THPT hoặc đại học. Tuy nhiên, số đối tượng được nhận học bổng rất ít, bởi trên thực tế, rất ít cháu nhiễm chất độc da cam có thể học được lên những bậc học cao. Hoặc như Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, hàng năm đều thăm, tặng quà, xây nhà tặng cho nhiều gia đình nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm khác cùng đồng hành với những nạn nhân da cam.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam cho biết thêm: Đối với thế hệ thứ hai của di họa da cam, hiện nay, cũng có nhiều người lập gia đình, sinh con. Họ gánh trên vai trách nhiệm là trụ cột kinh tế của gia đình, trong khi đó sức khỏe kém, nghề nghiệp lại không có. Hiện nay, mới chỉ có một Trung tâm dạy nghề của Hội Nạn nhân da cam là đơn vị dạy nghề cho nạn nhân da cam.

Tuy nhiên, muốn học nghề thì học viên phải lên tận cơ sở ở Hà Nội. Do khó khăn về đi lại, sinh hoạt, nên đến nay, toàn tỉnh cũng mới chỉ có 1 học viên tham gia học nghề. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân da cam có sức khỏe, được làm việc và thu nhập để chăm lo cho bản thân và gia đình.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/uoc-mo-mau-da-cam-/d2021080911302685.htm