Ước mơ từ xóm vạn chài
Không biết từ bao giờ, dưới khúc sông Mã thuộc thôn Tiến Ích 2, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) đã có một xóm thuyền chài cư ngụ. Sau bao biến đổi của dòng sông, xóm chài vẫn còn đó với những cảnh đời sống lặng lẽ, bình yên.
Xóm chài Thuyền Tôn nằm nép mình trên một khúc sông Mã.
Sông lành ghe đậu
Con đường đê dài trong cái nắng hanh hao cuối năm đã đưa chúng tôi đến xóm chài Thuyền Tôn. Bên dòng sông Mã bốn bề gió lộng, những rặng tre cong vút uốn mình đu đưa theo gió, vài chiếc thuyền cũ kỹ được che đậy và phủ đủ thứ từ tấm bạt, mảnh vải đến manh chiếu để tránh gió lùa... Nhìn từ xa, trông chúng bé nhỏ như những nét chấm phá trong một bức tranh thủy mặc rộng lớn. Với những người dân chài xứ Thanh, sông Mã như dòng sông mẹ muôn đời thủy chung, dung dưỡng bao phận người, thêm mỡ màu lên những lớp phù sa và cá tôm nặng đầy cho cuộc sống ngày càng no ấm. Có lẽ cũng vì thế mà ngư dân xóm chài Thuyền Tôn vẫn gắn bó nặng sâu với dòng sông ấy, dẫu qua nhiều biến thiên của cuộc sinh tồn.
Cuộc sống, mưu sinh của 23 hộ gia đình ở đây gói gọn trên dòng sông, trong những ngôi nhà ven sông và lênh đênh trên những mạn thuyền xuôi ngược. Đó là nơi họ đã bám trụ từ khi sinh ra, lớn lên lấy vợ, gả chồng, sinh con và cũng chính trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà đã sống cả cuộc đời đến khi “nhắm mắt, xuôi tay”.
Mặc cho gió đông táp vào da thịt, những ngư dân làng chài vẫn miệt mài buông lưới, đánh bắt. Một chiếc thuyền nhỏ từ từ cập bờ. Trên thuyền, đôi cây sào bắc ngang, bắc chéo để làm cây phơi quần áo. Can nước, bình ắc quy, nồi, xoong, chảo... xếp ngổn ngang. Trên gương mặt hằn những nếp nhăn của tuổi tác, của phong sương mưa nắng chai sạm, ông Nguyễn Văn Căn, 80 tuổi, cười buồn: “Cuộc đời của chúng tôi là những tháng ngày trần mình kiếm miếng ăn trong hoàn cảnh sóng nước óc ách dưới chân và gió ràn rạt thổi trên đầu”.
Theo lời ông Căn, xóm chài Thuyền Tôn may mắn khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện, người dân được cấp đất, làm nhà đã hơn 10 năm nay. Cũng từ dạo ấy, họ mới chính thức có nơi để bám víu, khai sinh cho những đứa trẻ được sinh ra trên sông nước. Không còn là những công dân xa lạ, họ đã sống hòa nhập với làng trên xóm dưới, tham gia các đoàn thể cũng như các hoạt động tại địa phương. Con cái đã được học hành ổn định. Dù chưa nhiều, song thực tế đã có con em làng chài thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Thanh niên đến tuổi lao động đã “thức thời” biết xin việc ở các nhà máy, khu công nghiệp.
Dẫu thế, đa phần cuộc sống mưu sinh của họ vẫn trên bến, dưới thuyền. Từ miếng cơm, manh áo đến mớ rau, viên thuốc đều trông cậy cả vào mấy con cá, con tôm đánh bắt được từ dưới dòng sông. Ở xóm vạn chài này, rất khó để đánh giá ai nghèo khổ hơn ai bởi 23 gia đình đều có một ngôi nhà tình nghĩa nhỏ ven sông cho khoảng 2 - 3 thế hệ cùng chung sống, một chiếc thuyền dùng để đánh bắt cá, đi lại và một lũ trẻ đang tuổi ăn, tuổi học.
Mong một đời bình an
Chiếc bè của mẹ con chị Nguyễn Thị Thơm (43 tuổi) nằm nép mình bên mé sông. Khi tôi đến, chị cũng vừa đi thả lưới về. Túi lưới nhỏ với vài lạng tôm con bắn tanh tách. Chồng chị mất cách đây đã hơn 10 năm, chị một mình vừa làm mẹ, làm cha của hai đứa trẻ. “Ngày trước, sông Mã nhiều cá lắm” - chị Thơm buồn buồn nhớ lại. Chuyến đi nào cũng no đủ. Cá thành bữa ăn chính trong mỗi gia đình, cá là món trao đổi ngoài chợ, cá đem bán để có tiền, cá là những bộ đồng phục, là bút tập theo các con chị đến trường học... Bây giờ cá hiếm, những thứ tưởng chừng như bình thường ấy trở nên khó khăn hơn. Chị Thơm giọng tha thiết: “Đời vợ chồng tôi coi như vứt đi, nên khổ cực mấy cũng cố nuôi hai đứa con, cho chúng đi học mới mong có ngày thay đổi được cuộc sống”.
Những lời chia sẻ rất thật tình, không trau chuốt mà khiến người nghe xúc động vô cùng. Có những điều rất giản đơn nhưng để có được nó đôi khi người ta phải gánh thêm nhiều tảo tần, hy sinh.
Hiện tại, chị Thơm vẫn duy trì nếp sống cũ là một ngày chỉ ăn hai bữa cơm (9h sáng và 3h chiều), sau khi những con tôm, cá tươi rói đã được bán hết, chị lại quay về nhà với công việc thường nhật, lại ngủ và chuẩn bị cho những chuyến đi lưới tiếp theo, lòng tự nhủ hôm nay không có, biết đâu ngày mai sẽ may mắn hơn. Bữa cơm lại được cải thiện hơn, có canh, có thịt, có rau... “Chỉ cần giản đơn mà được khỏe mạnh, là đã toại nguyện rồi” - chị Thơm tâm sự.
Bởi, ai cũng hiểu, sống ở ven sông, mùa mưa bão là mùa thót tim, mùa nắng gắt là mùa xót xa, mất mùa là đời người cực khổ. Ông Căn tâm sự: “Cái lạnh, cái rét và cộng cả cái đói của những đợt mưa bão là trải nghiệm không thể nào quên đối với những gia đình làm nghề chài lưới. Có những đêm không dám ngủ vì sợ nước lũ đột ngột dâng cao sẽ cuốn phăng đi tất cả”.
“Sinh nghề, tử nghiệp” là câu chuyện dân xóm chài Thuyền Tôn vẫn hàng ngày phải đối diện. Được biết, xóm này và ở các xóm lân cận khác có không ít trường hợp đã tử vong khi đánh bắt trên sông, người thì bị mắc lưới, dây cuốn thậm chí có người chết do kích điện...
Nghề này là như vậy, dẫu có xảy ra bao nhiêu điều thì ta cũng đâu thể bỏ. Như những đứa con, có oán hờn cha mẹ, có giận dỗi đòi bỏ đi nhưng rồi biết đi đâu khi đã là ruột thịt.
Là một trong những cụm dân cư được chính quyền địa phương chăm lo tốt nhất về điều kiện chỗ ở, người dân xóm chài Thuyền Tôn được xây dựng nhà ngay trên thân đất sát mép hai bờ tả, hữu dòng sông Mã, thuận lợi từ việc mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới, nuôi cá lồng. Tuy nhiên, đợt lũ lụt tháng 8, 9 đã cuốn trôi đi tất cả, giờ chỉ còn vài ba hộ duy trì với quy mô nhỏ. Vỡ nợ khi nuôi cá lồng, nhiều hộ dân xóm chài lâm cảnh bế tắc. Họ có nhà trên bờ nhưng ngặt nỗi không có đất để canh tác. Thế là dân xóm chài đành ngược xuôi trong Nam, ngoài Bắc, ai thuê gì làm nấy.
Ông Tào Văn Đoan, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, chia sẻ: “Nghề nuôi cá trên sông Mã giờ rất khó khăn vì nguồn nước bị ô nhiễm, bão lũ triền miên”.
Những ngày cuối năm đang dần qua đi, kéo tết cổ truyền đến gần, người người tất bật hoàn thành dự định trong năm thì những ngư dân ở xóm chài Thuyền Tôn chỉ ao ước mỗi ngày mưu sinh là một ngày có thu hoạch để được đón cái tết đủ đầy hơn. Mỗi lần trở về vẫn mạnh khỏe như mọi ngày, những đứa trẻ thực hiện được ước mơ đổi đời.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/uoc-mo-tu-xom-van-chai/111861.htm