Ước mong của một giáo viên dự bị đại học
Nhiều giáo viên đã ngót 20 năm giảng dạy mà chưa hề được dù chỉ một lần dự kỳ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nào dành cho giáo viên dự bị đại học.
LTS: Chia sẻ về nỗi niềm cũng như mong muốn của giáo viên hệ dự bị đại học, Thạc sĩ Đỗ Thành Dương đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thực hiện Luật Viên chức và Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp học (từ mầm non đến đại học).
Đến ngày 05/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT (trên cơ sở Thông tư số 06/2017/TT-BNV ngày 27/9/2017 của Bộ Nội vụ quy định mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học và ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ tại Công văn số 6083/BNV-CCVC ngày 21/11/2017) đã góp phần hoàn chỉnh Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.
Theo Thông tư này, giáo viên dự bị đại học được xếp ở 3 hạng chức danh nghề nghiệp I, II, III (theo cấp độ từ cao đến thấp) mỗi hạng chức danh nghề nghiệp có các tiêu chuẩn, nhiệm vụ tương ứng.
Như vậy, theo các văn bản quy phạm pháp luật, chức danh giáo viên dự bị đại học ra đời từ 2017 đã thay thế cho chức danh giảng viên dự bị đại học tồn tại nhiều chục năm trước đó.
Ở hệ thống trường dự bị đại học bao gồm 4 trường trên 3 miền trên đất nước ta hiện nay, theo quy chuyển từ ngạch giảng viên chính và ngạch giảng viên sang, nên hầu hết hiện chỉ có 2 hạng chức danh giáo viên dự bị đại học là hạng 1 và hạng 3.
Trong đó, đa số là giáo viên dự bị đại học hạng 3 với 11 nhiệm vụđược quy định cụ thể, trong đó có các nhiệm vụ:
- Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, hình thành năng lực và phương pháp tự học của học sinh dự bị đại học.
- Vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh dự bị đại học.
Hiện tại, ngành giáo dục nước ta đang trên lộ trình tiến hành chuyển đổi sang nền giáo dục 4.0, cải cách giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới, theo quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục trong Nghị quyết số 29-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIvề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạolà “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
Tiến trình cải cách giáo dục đang tiến hành đòi hỏi rất lớn đến sự đổi mới của người giáo viên trong vai trò chủ đạo, để hướng dẫn học sinh đổi mới trong tâm thế chủ động để đáp ứng xu thế phát triển của mô hình giáo dục 4.0.
Cho nên, theo xu thế cải cách, tất yếu đội ngũ giáo viên phải là lực lượng tiên phong chuyển đổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới; giáo viên sẽ dạy học và đánh giá học sinh theo chuẩn năng lực, phẩm chất của người học, chứ không còn theo quan điểm giáo dục truyền thống.
Vậy mà, trong khi giảng viên, giáo viên các cấp/ bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trước mỗi năm học, vào cuối kỳ nghỉ hè đều được dự các đợt tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ thì giáo viên hệ dự bị đại học dường như đứng bên cạnh dòng chảy sôi động của xu thế đổi mới giáo dục, bị rơi chìm vào quên lãng.
Nhiều giáo viên đã ngót 20 năm giảng dạy ở trường dự bị đại học, mà chưa hề được dù chỉ một lần dự kỳ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nào dành cho giáo viên dự bị đại học.
Hiện tại, chương trình 9 môn học bồi dưỡng văn hóa cho học sinh của trường dự bị đại học hoàn toàn dựa trên chương trình và sách giáo khoa cấp trung học phổ thông hiện hành, cho nên nếu chỉ bồi dưỡng về đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa cho giáo viên trung học phổ thông, mà không bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ giáo viên dự bị đại học, thì mặc nhiên sẽ dần xuất hiện những khoảng trống hụt hẫng không nhỏ cho đội ngũ giáo viên dự bị đại học khi tiếp cận với chương trình và sách giáo khoa mới.
Sự đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy của đội ngũ giáo viên trong đó có giáo viên dự bị đại học luôn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà trường và lãnh đạo các cấp.
Đội ngũ giáo viên, kể cả giáo viên dự bị đại học, cần thiết phải được quán triệt các yêu cầu của đổi mới giáo dục để nắm vững quan điểm giáo dục mới, trên cơ sở đó thay đổi phương thức quản lý học sinh, tự đổi mới sinh hoạt chuyên môn, dạy học sáng tạo – chủ đạo, xây dựng cộng đồng tự học tập, bồi dưỡng trong tổ bộ môn.
Đặc thù của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tạo điều kiện nền tảng cho giáo viên dự bị đại học trong việc đổi mới phương pháp, nội dung dạy học và cả ý thức tự bồi dưỡng, sáng tạo để có bài dạy, giờ dạy tốt nhất cho học sinh của mình.
Được biết, trong thời gian tới sẽ có nhiều đợt bồi dưỡng, tập huấn theo mô hình kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến hàng năm cho giáo viên đại trà các cấp học về nội dung thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi các giảng viên trường sư phạm và các giáo viên cốt cán.
Từ đó mong rằng, ngót 300 giáo viên hệ dự bị đại học trên cả nước sẽ được quan tâm bình đẳng như các giáo viên khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trong hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo chương trình tổng thể, chương trình môn học của chương trình phổ thông mới.
Có như vậy đội ngũ giáo viên dự bị đại học mới có thể theo kịp bước tiến của giáo dục nước nhà trong công cuộc đổi mới với giáo dục 4.0 như hiện nay.
Mong lắm thay!