Ước mong trước thềm năm mới
Thầy cô và các bạn học sinh, sinh viên ước mong gì trước thêm năm mới?
Học tập và thi cử đạt kết quả tốt, điều kiện trường lớp, cơ sở, vật chất và cuộc sống được cải thiện… ước mong, hi vọng trước thềm năm mới của thầy cô và các bạn học sinh, sinh viên tuy giản dị nhưng thiết thực.
Chia sẻ dự định, kế hoạch
Trần Phong, học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Lào Cai (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), một trong hai tác giả của dự án “Ngân hàng máu di động” giành giải Ba trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF 2022 tại Mỹ chia sẻ: “Em học chuyên Anh, nhưng đam mê ngành khoa học máy tính. Em mơ ước sau khi tốt nghiệp THPT sẽ nhận được học bổng của một trường đại học nước ngoài và đi du học…”. Để hiện thực hóa ước mơ, từ năm lớp 11 Trần Phong đã chăm chỉ rèn luyện tiếng Anh để thi chứng chỉ IELST. Với nỗ lực cao, Nam sinh Lào Cai đã thành công với chứng chỉ IELST 7.5.
Theo Trần Phong, hạn chế lớn nhất của học sinh miền núi khi học tiếng Anh là thiếu môi trường rèn luyện kỹ năng nghe, nói. Do đó, Phong đề xuất các trường ngoài chú trọng việc giảng dạy trên lớp nên tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh (CLB) theo từng khối lớp hoặc toàn trường. Các CLB cần có sự tham gia của giáo viên với vai trò cố vấn, hỗ trợ học sinh xây dựng các chủ đề và duy trì 2-3 buổi sinh hoạt/tuần.
Trần Phong cho biết thêm: “Nhiều học sinh suy nghĩ ngoại ngữ là môn học bắt buộc, học cho qua, thiếu sự tìm tòi chủ động trong phương pháp học. Để học ngoại ngữ trở thành nhu cầu tự thân và tìm thấy hứng khởi với môn học… thầy cô nên sáng tạo hơn trong cách dạy. Cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, trò chơi trong mỗi tiết học nhằm kích thích học sinh giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Anh thay vì chú trọng dạy ngữ pháp. Mặt khác tạo thói quen cho học sinh trong việc nghiên cứu tài liệu tham khảo, đọc sách, báo, truyện tiếng Anh để việc học từ mới thêm hiệu quả…”.
Long Tiến Thắng, lớp 12A Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) lại cố gắng tập trung tối đa thời gian hoàn thành chương trình học trong tháng 1. Từ tháng 2, Thắng luyện đề, gia cố kiến thức, bù lấp phần còn yếu để chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tiến Thắng chia sẻ: “Em mong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn giữ nguyên như năm 2022. Các trường đại học, cao đẳng sẽ công bố sớm phương án xét tuyển để chúng em cân đối, lựa chọn. Đối với các trường tổ chức kỳ thi riêng cần sớm gợi mở đề thi tham khảo để nghiên cứu, ôn luyện…”. Hiện Tiến Thắng theo học khối A01 chuẩn bị cho tuyển sinh 2023 và sẽ đăng ký ngành Công nghệ thông tin.
Phan Xuân Hành, sinh viên năm nhất ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội, một trong bốn nam sinh giành Huy chương Vàng Hóa học Quốc tế năm 2022. Từ nhỏ, em đã ước mơ sau này trở thành bác sĩ, vì vậy quá trình học phổ thông sớm đưa ra mục tiêu, kế hoạch cho bản thân.
Phan Xuân Hành chia sẻ: “Năm 2023, em cố gắng học tốt các môn học đại cương, môn thực hành. Ngoài ra, dành thời gian đến các bệnh viện, phòng khám để học hỏi, quan sát các y, bác sĩ làm việc và làm quen với môi trường…”.
Theo nhận thức của Phan Xuân Hành, nghề Y ngoài kiến thức, chuyên môn giỏi, y bác sĩ phải có sự đồng cảm, ân cần, tận tụy… để hiểu và chia sẻ những đau đớn, khó khăn của người bệnh. 6 năm học đại học, Hành dự định sẽ tham gia các CLB tình nguyện ở trường để thuận lợi cho việc tham gia các chuyến đi thực tế khám, chữa bệnh cho học sinh vùng cao, hỗ trợ tư vấn bệnh nhân nghèo...
Tăng cường điều kiện học tập, sinh hoạt
Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) có 340 học sinh dân tộc Mông, Thái, Dao, Mường, hoàn cảnh khó khăn, sống xa gia đình từ khi 10 tuổi. Sân trường, lớp học, thư viện, ký túc xá… trở thành nơi gắn bó, quen thuộc hàng ngày của các em.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên Ngữ văn Trường PTDT NT THCS & THPT Bắc Yên nhiều năm gắn bó, thấu hiểu vất vả của học trò nên luôn mong muốn nhà trường sẽ được đầu tư thêm cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh… giúp học trò cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt ở trường lớp. Mặt khác, cô Ngọc cũng hi vọng “mở rộng đối tượng học sinh nội trú thuộc gia đình cận nghèo, hộ nghèo, trẻ mồ côi ở một số địa bàn không thuộc vùng khó sẽ giúp các em có điểm tựa an tâm đến trường theo đuổi ước mơ học tập…”, cô Ngọc nói.
17 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Cẩm Tú, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ mong muốn: “Các tỉnh, địa phương nên có cơ chế tuyển dụng riêng đối với học sinh dân tộc sau khi học xong đại học, cao đẳng trở về quê hương làm việc. Đối với em tốt nghiệp THPT không thể học tiếp có thể mở lớp dạy nghề để tạo động lực, mục tiêu phấn đấu khi đang ngồi trên ghế nhà trường…”.
Cô Hoàng Thị Trà Hương, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk) dù mới 6 năm gắn bó với trường nội trú nhưng từ hành trình nghề nghiệp, cô Hương đã nhận ra một số bất cập với học trò. Từ đó, cô Hương mong muốn chế độ phụ cấp cho học sinh dân tộc nội trú được tăng lên để chất lượng các bữa ăn bán trú cải thiện về chất. Bên cạnh đó, Chương trình GDPT 2018 đã triển khai ở bậc THPT, cô Hương hi vọng các trường được quan tâm, đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đầy đủ… giúp việc giảng dạy thêm hiệu quả, chất lượng giáo dục dân tộc nâng cao, đạt yêu cầu của Chương trình GDPT mới và ngành Giáo dục đặt ra.
“Học sinh nội trú sống xa gia đình phải tự lập trên mọi mặt. Nhiều em còn nhỏ đã phải hòa nhập trong môi trường đa văn hóa, cuộc sống tập thể. Bước sang năm mới, mong các em sẽ bản lĩnh hơn nữa, vượt qua khó khăn để theo đuổi ước mơ của mình...”, cô Hoàng Thị Trà Hương, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/uoc-mong-truoc-them-nam-moi-post623629.html