Ươm mầm hữu nghị Việt - Lào

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, tắm chung dòng nước Mê Kông, hai dân tộc Việt Nam - Lào luôn thủy chung son sắt, kề vai sát cánh bên nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có Chương trình 'Ươm mầm hữu nghị' cho thế hệ trẻ đất nước Lào.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có trường đại học có sinh viên Lào theo học. Tuy nhiên hằng năm tỉnh đều đón các em về thực tế tại địa phương theo Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” của T.Ư. Qua đó tạo cơ hội cho các sinh viên Lào được thực tập tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người và văn hóa Việt Nam.

 Các lưu học sinh Lào tham quan chùa Vĩnh Nghiêm.

Các lưu học sinh Lào tham quan chùa Vĩnh Nghiêm.

Tại Bắc Giang, Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” Việt - Lào được Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bắc Giang, Ban Liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia giúp cách mạng Lào tỉnh tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2019. Mỗi năm Chương trình lại có những hoạt động giàu tính thực tiễn, mới mẻ như: Tìm hiểu hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao, tham quan Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang (thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên); Trường Cao đẳng Biên phòng (xã Việt Lập, huyện Tân Yên)…

Giữa tháng 6 vừa qua, tỉnh Bắc Giang chào đón 33 lưu học sinh Lào - là những “mầm xanh” đang học tập tại Trường Hữu Nghị 80 (Hà Nội) đi thực tế tại huyện Lục Ngạn - thủ phủ cây ăn quả của miền Bắc; tham quan, vãn cảnh và tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Tại những nơi đến, các em được trực tiếp trải nghiệm thực tế thu hái vải thiều; tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc vải thiều và vùng đất, văn hóa, lịch sử, con người Bắc Giang. Đặc biệt, các em được giao lưu với những cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Lào, từ đó hiểu thêm được sự giúp đỡ ân tình cũng như sự hy sinh của những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã đồng cam cộng khổ “hạt muối cắn đôi, cọng rau sẻ nửa” để giúp đất nước Lào anh em.

 Các lưu học sinh Lào nghe cựu chiến binh quân tình nguyện Lào giới thiệu về vải thiều Lục Ngạn.

Các lưu học sinh Lào nghe cựu chiến binh quân tình nguyện Lào giới thiệu về vải thiều Lục Ngạn.

Lưu học sinh Khamping Sido Ungchanh năm nay tròn 20 tuổi. Nếu không mặc trang phục truyền thống của người Lào và chiếc áo đồng phục in tên trường thì nhiều người đã tưởng đây là một cô gái Việt bởi em nói tiếng Việt rất giỏi, cách nói chuyện cũng “rất Việt Nam”. Em bảo, bản thân sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Viêng Chăn, được nghe ông bà, cha mẹ kể nhiều về Việt Nam, vì vậy được sang đây học là niềm mơ ước của em.

Đến nay sau 8 tháng học tập chăm chỉ tại Trường Hữu Nghị 80, được các thầy, cô giáo Việt Nam tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, vốn tiếng Việt của em đã khá lên nhiều. Khi có tên trong danh sách được tham gia trải nghiệm ở Bắc Giang, em rất vui và trân trọng cơ hội quý báu này, đây là lần đầu tiên em đến đây theo Chương trình “Ươm mầm hữu nghị”. Đến đây, Khamping Sido Ungchanh vô cùng hào hứng, em liên tục chụp ảnh cùng các bạn và mấy bác cựu chiến binh ở Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Bắc Giang; ríu rít chuyện trò với chủ vườn và cả những người dân bản địa Lục Ngạn khác.

Tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào được vun đắp qua nhiều thế hệ. Thế hệ trẻ hôm nay chính là những “mầm xanh” tiếp nối cho mối quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt đó.

Cùng chuyến trải nghiệm này có nhiều thầy giáo, cô giáo của Trường Hữu Nghị 80. Cô giáo trẻ Vũ Phan Minh Trang quê gốc Hà Nội là giáo viên dạy tiếng Việt ở trường được 5 năm đưa đoàn lưu học sinh về Bắc Giang lần này cũng hồ hởi không kém.

Suốt chuyến đi, trên xe ô tô, cô liên tục trả lời câu hỏi của các em về vùng đất Bắc Giang, vùng quê Lục Ngạn, tại sao quả vải ở đây khác với quả vải trồng ở Lào. Các em cũng hỏi thêm kiến trúc của những ngôi chùa ở Bắc Bộ; phong tục tập quán văn hóa vùng miền. Ban đầu các em nói tiếng Việt chưa sõi, chỗ nào không hiểu thì mọi người giải thích, hướng dẫn.

“Tôi nghĩ rằng đây sẽ là quãng thời gian vô cùng quý báu và ý nghĩa đối với các em, giúp các em có cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, hiểu thêm văn hóa, phong tục tập quán con người Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp về nước, các em sẽ là nguồn nhân lực quan trọng, có chất lượng và là nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước” - cô Trang cho biết.

Tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ thủy chung son sắt Việt Nam - Lào. Năm 2021, hai tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun đã ký Thỏa thuận hợp tác. Tiếp nối những chương trình, hoạt động ý nghĩa đó, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” đã góp thêm một phần nuôi dưỡng, chăm chút những “mầm xanh”. Trong tương lai gần, những “mầm xanh” này sẽ trở thành cây khỏe mạnh, đơm hoa kết trái, vun đắp thêm mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào ngày càng bền chặt, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/408685/uom-mam-huu-nghi-viet-lao.html