Ươm mầm sáng tạo trong sinh viên

Không bị giới hạn, không gò bó, nhiều bạn sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 2 năm trở lại đây, sinh viên Nhà trường đã triển khai thực hiện được trên 200 đề tài nghiên cứu khoa học.

Sản phẩm máy nối mi tự động của nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).

Sản phẩm máy nối mi tự động của nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).

Với bước nhảy vọt của công nghệ và nhịp sống hiện đại, nhu cầu của con người trong việc chăm sóc sắc đẹp không ngừng tăng lên. Xuất phát từ mong muốn tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí giúp tăng hiệu quả sản xuất mi giả, nhóm sinh viên Khoa Điện tử - Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã sáng chế ra máy làm mi giả tự động. Tính sáng tạo của sản phẩm này là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý hình ảnh để nhận diện và xử lý tóc từ kích thước đến hình dạng chuẩn, sản phẩm này có tính ứng dụng thực tiễn khá cao.

Em Nguyễn Hữu Đạt, sinh viên K58, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp là thành viên nhóm sáng tạo, chia sẻ: Máy có khả năng tự động thu thập, sắp xếp và kiểm tra chất lượng các sợi tóc để tạo ra dây mi giả theo kích thước và hình dạng chuẩn. Làm mi giả bằng máy này sẽ cho hiệu quả gấp từ 2-3 lần so với làm thủ công. Thao tác máy cũng sẽ chính xác và nhanh hơn so với làm thủ công. Nhóm em mất khoảng 2 tháng để thực hiện từ ý tưởng đến hoàn thiện.

Một sản phẩm thú vị nữa của sinh viên Đặng Văn Hưng, Khoa Điện tử, ngành Điện tử viễn thông K57, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp và nhóm bạn, đó là chiếc gậy thông minh. Nhận thấy tình trạng ngày nay, người già phải đối mặt với nhiều rủi ro trong việc đi lại hằng ngày, nhóm sinh viên đã chế tạo thành công chiếc gậy thông minh. Hưng cho hay: Chiếc gậy bật công tắc lên có một nút nhấn, cấu tạo gồm 1 bộ điều khiển, có gắn sim để gọi điện nhắn tin, có gắn 1 thiết bị phát ra âm thanh cảnh báo, GPS để lấy được vị trí, gửi tin nhắn, khi cần biết vị trí của người sử dụng đang ở đâu.

Hiện nay, cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, các trường đại học cũng chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Giảng viên Đỗ Duy Cốp, Khoa Điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, chia sẻ: Thời gian qua, các khoa trong trường đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo, thu hút đông đảo các em sinh viên tham gia. Các sản phẩm dự thi không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, tư duy kỹ thuật của sinh viên mà còn mang đến những giải pháp công nghệ thiết thực, ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

PGS.TS Nguyễn Văn Chí, Trưởng Khoa Điện, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, nói: Các giáo viên trong Khoa luôn định hướng cho sinh viên khả năng phát hiện, tìm tòi những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, áp dụng kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm cũng như các giải pháp của công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo ngành nghề ở trường đại học, hằng năm, các khoa trong Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo để sinh viên làm quen với việc thiết kế, chế tạo máy và thiết bị; khuyến khích sự đam mê sáng tạo, hình thành ý tưởng nghiên cứu khoa học mới cho sinh viên... Chỉ tính riêng trong vòng 2 năm trở lại đây, sinh viên Nhà trường đã triển khai thực hiện được trên 200 đề tài nghiên cứu khoa học.

Có thể nói, nghiên cứu khoa học là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa dành cho tất cả sinh viên, mang lại những lợi ích to lớn về cơ hội phát triển bản thân; đồng thời góp phần trau dồi kiến thức, giúp sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202407/uom-mam-sang-tao-trong-sinh-vien-2530867/