Uốn thẳng những mầm cong
Bài 1: Toàn xã hội cùng chung tay
Bài 1: Toàn xã hội cùng chung tay
"Uốn thẳng những mầm cong" không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an. Đây là những hành trình dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, bền bỉ và phương pháp phù hợp với từng loại đối tượng.
Theo phương châm "Gặp,biết, kèm cặp, hỗ trợ" trong cảm hóa, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tiến bộ", các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng xây dựng nhiều mô hình để kèm cặp, giúp đỡ thanh thiếu niên hư ngay từ cơ sở.
Làm bạn với người lầm lỗi
Vừa qua, tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật do Bộ Công an tổ chức, Công an phường Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vinh dự được báo cáo tham luận trực tiếp tại hội nghị với mô hình "Câu lạc bộ Chi đoàn giúp bạn" và nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước đăng ký học hỏi. Mô hình được thành lập từ năm 2016 với sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Công an phường đã giúp đỡ nhiều thanh thiếu niên hư hoặc có quá khứ phạm pháp tiến bộ, trở thành công dân tốt. Những thanh thiếu niên này được gọi tên gần gũi và thân thương là "bạn".
Từ việc thành lập ban đầu với 3 CLB ở khu dân cư Khái Tây, Khái Tây 1 và Hải An 1 đến nay, mô hình đã nhân rộng đạt 100% các Chi đoàn thanh niên tại khu dân cư. Kết quả sau 7 năm hoạt động đã nhận giúp đỡ 99 lượt "bạn", trong đó có 14 "bạn" tiến bộ. Điển hình Lưu Văn B. (1992) và Phạm X. (1993) đã từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định.
Bí thư Đoàn phường Hòa Quý, chị Ngô Thị Hoàng Thi cho hay, khi tham gia CLB, các "bạn" được thường xuyên tham gia nhiều hoạt động giao lưu sinh hoạt, tham quan các địa điểm cách mạng và tìm kiếm việc làm. Hàng tháng, các CLB duy trì sinh hoạt, thông tin tuyên truyền đến các "bạn" tình hình an ninh, trật tự; đồng thời, thăm hỏi, động viên các bạn rèn luyện, trưởng thành.
Ngoài ra, các Chi đoàn cũng mời các đối tượng hình sự, ma túy, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật dự nghe các phiên tòa hình sự, tham quan Cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an), nhằm giúp các em thấy rõ môi trường quản lý, giáo dục khi vi phạm pháp luật, qua đó rèn luyện bản thân, tránh xa các tệ nạn, không vi phạm pháp luật, trở thành công dân tốt.
Đó là 1 trong những mô hình cách làm mà Tuổi trẻ TP Đà Nẵng trong chung tay giúp đỡ thanh thiếu niên hư, người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Được biết trong 10 năm qua, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức gần 2.000 đượt tuyên truyền về pháp luật tại 56 xã, phường cho hơn 120.000 lượt thanh thiếu niên. Ngoài ra, các mô hình như "Phiên tòa giả định", mô hình 4+1 (một người lầm lỡ được cán bộ thuộc Thành đoàn, Quận đoàn, Đoàn phường và đoàn viên Công an giúp đỡ), "Sống có trách nhiệm - tâm sáng hướng thiện"… cũng đã góp phần tích cực.
Gần gũi và chia sẻ
"Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn" là một mô hình được Hội LHPN TP Đà Nẵng triển khai hiệu quả từ năm 2015 với phương pháp làm khá cụ thể, bài bản trong phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến và ngăn ngừa, phòng, chống tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.
Việc cảm hóa, giáo dục cho thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy là một quá trình gian nan. Bởi, một số em thường không chịu sự chi phối và quản lý của gia đình, người thân. Như trường hợp H.V.T (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) bị bạn bè xấu lôi kéo "dính" vào ma túy. Ban đầu, Hội phụ nữ rất khó tiếp cận. Mặc dù có tay nghề nhưng bản thân em không thích lao động mà chỉ thích tụ tập bạn bè. Sau một thời gian kiên trì vận động với phương châm "mưa dầm thấm lâu" và bằng tình cảm, Hội Phụ nữ đã giới thiệu việc làm, hỗ trợ phương tiện làm ăn, đến nay T. đã có những biểu hiện tốt hơn trước.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội LHPN TP, mô hình nhằm cụ thể theo Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Đà Nẵng". Theo đó, mô hình đã được các cấp Hội triển khai chặt chẽ, có sự kết hợp giữa các cấp Hội với đại diện gia đình, Công an khu vực, tổ dân phố và các đoàn thể ở khu dân cư. Ban đầu Hội nhận cảm hóa, giáo dục 142 em thanh thiếu niên hư sử dụng trái phép chất ma túy do Thường trực Thành ủy Đà Nẵng phân công và đã cảm hóa giáo dục được 87/142 em tiến bộ (đạt tỷ lệ 61,2%); hỗ trợ học nghề, trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ học phí, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 500 triệu đồng.
Từ hiệu quả mô hình này, các cấp Hội tiếp tục duy trì, mở rộng và nhận quản lý, giáo dục giúp đỡ hơn 500 đối tượng vi phạm pháp luật và thanh thiếu niên gây rối trật tự, trộm cắp tài sản... theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU. Bên cạnh đó, nhằm góp phần hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên bỏ học, dễ dẫn đến nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, Hội LHPN TP còn thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu", kết nối và nhận đỡ đầu 627 em. Ngoài số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/tháng theo chương trình, các cấp Hội vận động nguồn lực để hỗ trợ đến các em mồ côi được đỡ đầu như: sách vở, đồ dùng học tập, học bổng, xe đạp, phương tiện sinh kế cho gia đình các em... với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội PN cơ sở duy trì hiệu quả các "Lớp học 0 đồng" cho các em là con hộ nghèo để học sinh khó khăn, hiếu học có điều kiện ôn tập, trau dồi kiến thức.
"Có thể nói khi thấy mỗi một trường hợp mà chúng tôi giúp đỡ tiến bộ, ngoan học hành, tu chí phấn đấu, cán bộ, hội viên chúng tôi rất hạnh phúc như chính em đó là con em ruột thịt trong gia đình của mình", bà Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.
(còn nữa) MAI VINH
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/uon-thang-nhung-mam-cong-post295960.html