Uống 45 viên sắt, nữ sinh 13 tuổi mất mạng vì ngộ độc
Nhận lời thử thách của bạn học, nữ sinh 13 tuổi liều lĩnh uống 45 viên sắt. Chỉ sau 3 ngày, bé gái ra đi trước sự đau đớn khôn nguôi của người thân.
Sự việc xảy ra tại một trường trung học ở Ooty (Ấn Độ). Thông tin cho biết, nữ sinh Jaiba Fatima 13 tuổi uống 45 viên sắt. Bé gái cùng 5 người bạn thách thức xem ai có thể uống được nhiều viên sắt nhất sẽ giành chiến thắng.
Hành động thiếu hiểu biết khiến Jaiba Fatima lên cơn co giật, tử vong sau 3 ngày. Trong khi đó, những bạn uống ít sắt hơn có triệu chứng chóng mặt, được điều trị tại bệnh viện.
Được biết, những viên sắt này được lén lấy từ trường học. Tại các trường công lập ở Ấn Độ, nhà trường sẽ phát viên uống bổ sung sắt cho học sinh từ lớp 8-12. Việc phát thuốc dựa vào thể trạng, độ tuổi của từng học sinh. Jaiba Fatima uống quá nhiều viên sắt dẫn tới ngộ độc sắt, uy hiếp nghiêm trọng sức khỏe.
Thực tế, sắt là một khoáng chất, rất cần cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Sắt là yếu tố quan trọng để sản xuất huyết sắc tố, một loại protein vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể và myoglobin, một loại protein cung cấp oxy cho cơ bắp.
Sắt cần thiết cho cơ thể không đồng nghĩa bổ sung bao nhiêu cũng được. Người khỏe mạnh bổ sung sắt liều cao (đặc biệt uống khi đói) có thể gây ra các phản ứng như đau bụng, táo bón, buồn nôn, đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Uống quá nhiều sắt cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày, giảm hấp thụ kẽm. Bổ sung sắt liều cực cao có thể gây suy nội tạng, hôn mê, co giật và tử vong.
Bổ sung sắt tưởng đơn giản song không hoàn toàn như vậy. Ngộ độc sắt vẫn là vấn đề sức khỏe thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Do trọng lượng cơ thể nhỏ, trẻ em dễ ngộ độc sắt khi nuốt nhầm viên bổ sung dành cho người lớn. Lúc này, cơ thể trẻ rất nhanh bầm tím, sốc, nhiễm toan, thậm chí là tử vong.
Để bổ sung sắt an toàn, Viện Y tế Quốc gia (NIH) khuyến nghị nam giới nên bổ sung 8mg sắt mỗi ngày; phụ nữ tiền mãn kinh 18mg và 8mg cho phụ nữ mãn kinh. Trẻ sơ sinh từ 7-12 tháng tuổi cần 11mg. Trẻ em từ 1-3 tuổi cần 7mg. Trẻ em từ 4-8 tuổi cần 10mg, trong khi trẻ lớn hơn từ 9-13 tuổi cần 8mg. Các nam thiếu niên nên nhận 11mg và các bé gái tuổi teen cần 15mg mỗi ngày.
Mời độc giả xem thêm video: Hướng dẫn xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà