Uống cà phê đá giữa trưa nắng, cô gái không ngờ điều xảy ra sau đó
Sau khi uống cà phê đá, một thiếu nữ phải nhập viện 3 ngày vì viêm dạ dày ruột cấp. Nguyên nhân có thể đến từ đá viên nhiễm khuẩn.
Một ly cà phê đá tưởng chừng vô hại đã khiến một thiếu nữ tại Hàng Châu (Trung Quốc) phải nhập viện khẩn cấp vì viêm dạ dày ruột cấp tính. Vụ việc xảy ra hôm 23/6 vừa qua, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vệ sinh đá viên – một thành phần thường bị bỏ qua trong đồ uống mùa hè.

Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của nạn nhân, cô cảm thấy cồn cào bụng ngay sau khi uống cà phê đá, sau đó xuất hiện triệu chứng tiêu chảy nghiêm trọng kèm theo mất nước. Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ xác định cô bị viêm dạ dày ruột cấp do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh – khả năng cao đến từ đá viên nhiễm khuẩn.
Đá viên – “thủ phạm” tiềm ẩn trong đồ uống mùa hè
Theo các chuyên gia y tế, mùa hè là thời điểm tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa tăng cao, trong đó đá viên không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân thường gặp nhưng lại dễ bị xem nhẹ. Có ba yếu tố chính khiến đá viên có thể trở thành ổ bệnh:
Nguồn nước không hợp vệ sinh: Nước dùng làm đá phải là nước uống an toàn, đã qua khử trùng theo tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đá nhỏ lẻ không tuân thủ quy định, sử dụng nước máy chưa xử lý hoặc tái sử dụng nguồn nước bẩn.
Thiết bị làm và bảo quản đá bị nhiễm bẩn: Máy làm đá nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ tích tụ vi khuẩn. Ngoài ra, các vật dụng như xẻng xúc đá, thùng đựng đá nếu không được khử trùng đúng cách cũng dễ lây nhiễm chéo.

Dùng nhầm đá không ăn được: Một số cơ sở dùng đá bảo quản thực phẩm như cá, tôm để pha đồ uống, vô tình đưa vi khuẩn, ký sinh trùng từ thực phẩm sống vào cơ thể người tiêu dùng.
Theo khuyến cáo, nếu tiêu chảy nhẹ, du khách có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn uống dễ tiêu, bổ sung nước và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy kéo dài hoặc có dấu hiệu mất nước, nên đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh dẫn đến nhiễm trùng toàn thân.
Làm sao để uống đá an toàn vào mùa hè?
Tự làm đá tại nhà: Sử dụng nước đã đun sôi để làm đá, vệ sinh khay đá và tủ lạnh thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn.
Chọn nơi bán uy tín: Khi mua đồ uống bên ngoài, nên quan sát hộp đựng đá, dụng cụ lấy đá có sạch sẽ không, nhân viên có sử dụng găng tay không.
Không uống quá nhiều hoặc quá lạnh, đặc biệt với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.
Không dùng đồ lạnh ngay sau khi ăn hoặc tập thể dục, vì dễ gây co thắt dạ dày, tim mạch hoặc rối loạn tiêu hóa.