Đối tượng nào mắc sốt xuất huyết dễ bị trở nặng?

Số ca mắc sốt xuất huyết tại miền Nam đang gia tăng nhanh, trong bối cảnh bước vào mùa mưa. Đối tượng nào mắc sốt xuất huyết dễ bị trở nặng?

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, thành phố ghi nhận 507 ca mắc trong tuần qua, tăng hơn 50% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca từ đầu năm lên hơn 9.500, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Những tuần qua, nhiều trẻ vào viện tuyến cuối trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng.

Cứu bé 5 tuổi sốt xuất huyết thoát nguy kịch

Bé gái 5 tuổi, ở Bình Phước, sốc sốt xuất huyết nặng gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng với chỉ số men gan gấp hơn 50 lần bình thường.

Bệnh nhi sốt cao liên tục 2 ngày, đến ngày thứ 3 bắt đầu đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tiêu phân đen, tay chân lạnh. Người nhà đưa vào viện địa phương khi huyết áp tụt, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng. Dù tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng bé diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố -TP HCM.

Ngày 29/6, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi được tiếp tục truyền dịch cao phân tử, chống sốc cùng nhiều biện pháp hồi sức khác.

Sau gần 10 ngày chăm sóc tích cực, bé hồi phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.

Ai dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng một số nhóm đối tượng lại có nguy cơ trở nặng cao hơn.

Trẻ em dưới 5 tuổi

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết. Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, khả năng chống lại virus chưa phát triển hoàn thiện khiến trẻ dễ bị biến chứng. Đặc biệt, trẻ có thể bị sốc sốt xuất huyết - một biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết. Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi. Khi mắc bệnh, phụ nữ mang thai có thể đối mặt với tình trạng suy thận, xuất huyết nặng và có nguy cơ cao bị sốc sốt xuất huyết. Thai nhi cũng có nguy cơ bị tổn thương hoặc thai lưu.

Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được theo dõi y tế chặt chẽ khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết và nên điều trị kịp thời dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Phụ nữ mang thai cần được theo dõi y tế chặt chẽ khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết.

Phụ nữ mang thai cần được theo dõi y tế chặt chẽ khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết.

Người cao tuổi

Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác, đồng thời có thể mắc kèm nhiều bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch. Khi mắc sốt xuất huyết, người lớn tuổi dễ gặp phải tình trạng nặng hơn so với người trẻ khỏe mạnh.

Bệnh nhân cao tuổi mắc sốt xuất huyết thường có nguy cơ cao hơn về biến chứng sốc sốt xuất huyết, suy thận cấp, xuất huyết nặng, thậm chí tử vong. Việc điều trị cho người cao tuổi cũng thường phức tạp hơn do sự tương tác giữa các loại thuốc điều trị bệnh nền và thuốc điều trị sốt xuất huyết.

Người có bệnh lý nền

Những người mắc bệnh lý nền như COPD, tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, hen suyễn… là nhóm đối tượng có nguy cơ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết. Các bệnh nền này làm suy yếu khả năng miễn dịch, đồng thời gây khó khăn trong việc kiểm soát và điều trị bệnh.

Những bệnh nhân có bệnh lý nền dễ gặp phải tình trạng suy cơ quan như suy thận, suy gan, suy hô hấp và đặc biệt là sốc sốt xuất huyết. Việc điều trị bệnh cần phải phối hợp giữa điều trị sốt xuất huyết và kiểm soát tốt bệnh nền.

Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng

Triệu chứng của sốt xuất huyết thường bắt đầu khoảng 3 đến 14 ngày sau khi ủ bệnh như sốt cao kèm theo một số triệu chứng sau: nhức đầu, đau sau mắt, buồn nôn ói mửa, đau khớp, xương hoặc cơ, phát ban…

Trong khoảng 3-7 ngày sau khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh, cần theo dõi kỹ các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết có thể trở nặng. Đầu tiên, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm dần, lúc này tuyệt đối không chủ quan nghĩ rằng bệnh đang hồi phục vì có thể bệnh đang nghiêm trọng hơn.

Lúc này, cần theo dõi sát sao người bệnh, nếu có các biểu hiện khác đi kèm như đau bụng, nôn mửa liên tục, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, thở nhanh, tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn, mệt nhiều… là cảnh báo sốt xuất huyết nguy kịch, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

BS Nguyễn Văn Bàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/doi-tuong-nao-mac-sot-xuat-huyet-de-bi-tro-nang-169250701164708912.htm