Uống hàng trăm ml rượu mỗi ngày, một 'ma men' có nguy cơ sống thực vật
Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nặng, uống trung bình 500 - 700ml mỗi ngày. Hiện, người này đang bị biến chứng nhiễm trùng, có nguy cơ sống thực vật cao.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhân nam (70 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) bị biến chứng nhiễm trùng, có nguy cơ sống thực vật cao.
BS. Nguyễn Đức Minh - Khoa Cấp cứu cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao. Cơ thể có nhiều vùng loét, vết loét sâu quá lớp biểu bì da, vết rộng nhất khoảng 12cm, nhiều mủ viêm quanh. Kết quả nuôi cấy máu và dịch hút phế quản cho thấy: Bệnh nhân nhiễm nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc, chưa rõ nguyên nhân lây nhiễm.
Theo BS. Nguyễn Đức Minh, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nặng, uống trung bình 500 - 700ml mỗi ngày. Khoảng giữa tháng 3, sau khi uống rượu, bệnh nhân bị hôn mê được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc methanol, tổn thương não, xuất huyết não rải rác. Bệnh nhân hôn mê không hồi phục ý thức, phải thở qua lỗ mở khí quản. Men gan tăng gấp 4-5 lần bình thường, các chất protein, albumin, calci, magie, kali trong máu giảm nặng.
Bệnh nhân đã được điều trị giải độc methanol, đưa về bệnh viện tuyến tỉnh để chăm sóc khi sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, hôn mê nên được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 2/4.
"Bệnh nhân được chỉ định dùng 2 loại kháng sinh, kết hợp chăm sóc da vùng loét, chăm sóc đường thở nhờ vỗ rung, hút đờm, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Bệnh nhân hiện đã đỡ sốt nhưng khả năng phục hồi ý thức rất thấp, nguy cơ cao sống thực vật" - BS. Minh cho biết thêm.
Ngộ độc methanol - Không tử vong thì cũng dễ mù mắt
Các bác sĩ cho biết, methanol là một loại cồn công nghiệp, được tạo ra trong quá trình sản xuất ethanol. Khi đưa vào cơ thể, methanol không được chuyển hóa thành chất bớt độc để thanh thải ra ngoài mà tích lũy bên trong, gây tổn thương đa cơ quan như não, gan, thận, phổi...
Chất độc methanol vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao. Người bệnh ngộ độc methanol thường phát hiện muộn, điều trị lâu dài, khó khăn, dễ gặp biến chứng hoặc nhiều di chứng không hồi phục.
Methanol vào trong cơ thể lúc đầu ngay sau uống cũng gây say giống rượu uống, rượu cũng có vị không khó chịu (thực tế hơi ngọt), tuy nhiên lúc người uống tỉnh tại thì nghĩ là hết say nhưng khi đó (sau uống 1-2 ngày) methanol trong cơ thể âm thầm được chuyển thành axit formic rất độc, máu bị nhiễm axit gây thở nhanh và sâu giống như khó thở, tổn thương với mắt gây nhìn mờ, mù, với não gây hoại tử não, phù não, hôn mê và dễ tử vong.
Ở Việt Nam, ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống rượu giả nên người uống không biết là uống phải rượu độc, lại biểu hiện chậm và âm thầm, nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt tử vong từ 30-50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt. Rất đáng tiếc.
Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, chuyên gia khuyến cáo cần quản lý chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, quản lý các sản phẩm rượu lưu hành trên thị trường.
Người dân thì nên hạn chế uống rượu, khi mua rượu thì cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả nơi bán cũng phải chính thức (có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng).
Nếu người dân cứ mua bán rượu trôi nổi, không kiểm soát như hiện nay thì càng tạo điều kiện cho những người sản xuất và kinh doanh hàng giả và gây ngộ độc cho người mua.