Uống hormone tuyến giáp levothyroxine có gây sạm da không?
Thuốc hormone tuyến giáp thường được chỉ định ở người bệnh suy giáp hoặc sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp. Vậy uống hormone tuyến giáp có gây sạm da hay không? Tình trạng này có thể khắc phục như thế nào?
1. Hormone tuyến giáp có gây sạm da không?
Có bạn đọc hỏi về toàn soạn: Trong thời gian uống thuốc levothyroxine bị sạm da, khắc phục thế nào? Vậy loại thuốc này có gây sạm da không? Dưới đây là chia sẻ của ThS. BSNT. Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về câu hỏi này.
Theo ThS. BSNT. Phạm Thị Hồng Nhung thuốc hormone tuyến giáp levothyroxine thường được sử dụng nhằm bổ sung hormone tuyến giáp cho người bệnh suy giáp hoặc phẫu thuật cắt tuyến giáp. Khi sử dụng thuốc levothyroxine ở một số người bệnh có thể gặp những tác dụng phụ như sụt cân, đánh trống ngực, hồi hộp, dễ kích thích, tiêu chảy, co cứng bụng, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, run, đau đầu, mất ngủ, không chịu được nóng... Thế nhưng, loại thuốc này không gây sạm da.
Nếu người bệnh sử dụng thuốc hormone tuyến giáp gặp tình trạng sạm da, cần đi khám chuyên khoa da liễu để tìm nguyên nhân gây sạm nám. Không được tự ý ngưng sử dụng hormone tuyến giáp khi chưa có ý kiến của bác sĩ, bởi việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
2. Các nguyên nhân gây sạm da?
Trao đổi về nguyên nhân gây sạm da, ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện 19-8 cho biết, sạm da hay gọi chính xác là tình trạng tăng sắc tố da, xảy ra do tăng sản xuất melanin trong cơ thể.
Melanin là sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt của con người. Những người da sẫm màu thường có nhiều melanin hơn. Khi những tế bào da bị tổn thương hoặc không khỏe mạnh, melanin có thể sản sinh ra nhiều hơn và kết tụ lại, khiến khu vực đó trở nên đậm màu hơn bình thường. Những nguyên nhân phổ biến làm tăng sắc tố da như:
- Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ có thể làm tăng lượng melanin, dẫn đến xuất hiện những vùng tăng sắc tố trên da gọi là nám. Nám da thường gặp ở những vùng như trán, hai bên má, mũi và quanh môi. Chúng sẽ mờ dần trong vài tháng, khi nồng độ hormone trở lại mức bình thường và cơ thể giảm sản sinh melanin.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ đúng cách: Khi tiếp xúc với tia UV, cơ thể sẽ kích hoạt sản xuất thêm melanin như một cách để bảo vệ làn da khỏi bị hư hại. Lượng melanin dư thừa khiến da trở nên sạm. Nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hơn, da sẽ xuất hiện các vết nám, đồi mồi.
- Bệnh lý: Tăng sắc tố da cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh như bệnh tự miễn, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa và thiếu vitamin. Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh và thuốc chống động kinh cũng làm tăng sản sinh melanin.
3. Cách khắc phục tình trạng sạm nám
ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo cho biết, tùy dạng tăng sắc tố sẽ có phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm sử dụng thuốc uống, thuốc bôi ngoài da hoặc những phương pháp điều trị hiện đại như laser điều trị sắc tố, tiêm meso... Do đó, để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám để bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cũng như liệu trình điều trị thích hợp.
Cùng với đó, để ngăn ngừa và giảm thiểu tăng sắc tố da, người bệnh nên lưu ý những biện pháp sau:
- Dùng kem chống nắng là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhằm bảo vệ da trước tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời. Bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên và thoa lại sau mỗi hai giờ.
- Che chắn cho làn da bằng mũ rộng vành, mặc trang phục chống nắng khi ra ngoài.
- Tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 14h vì đây là lúc ánh nắng mặt trời mạnh nhất.
- Chỉ sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm chính hãng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm của da của mình.
Mời bạn đọc xem tiếp video: