Uống nước ép trái cây sai cách liệu có gây hại cho sức khỏe?
Mặc dù nước ép trái cây là thức uống có giá trị dinh dưỡng và dễ hấp thụ nhưng uống quá nhiều hoặc chỉ uống mỗi nước trái cây chưa hẳn đã tốt cho sức khỏe.
Nước ép trái cây là một loại thức uống được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị tuyệt vời mà nó sở hữu.
Giống như các loại trái cây và rau xanh khác, nước trái cây tự nhiên không có chất béo, ít natri và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, vitamin A, vitamin B1, B6, vitamin K, folate, kali, magie…
Tác dụng của nước ép trái cây
Trái cây là một trong những thực phẩm tự nhiên lành mạnh nhất chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Bổ sung khẩu phần cho rau củ bị thiếu
Bên cạnh các loại chất đạm có nguồn gốc động vật, thực vật thì các loại khoáng chất và vitamin có trong rau củ cũng rất cần thiết với cơ thể.
Tuy nhiên, có nhiều người bị thiếu chất do không có thói quen hoặc không thích ăn rau củ. Với những người này nếu mỗi ngày uống một cốc nước ép trái cây sẽ giúp bổ sung vào khẩu phần ăn rau củ đang bị thiếu.
Giảm cân an toàn và hiệu quả
Vị ngọt tự nhiên của các loại nước ép trái cây sẽ giúp làm giảm cảm giác thèm ăn khi bạn đang trong thời gian giảm cân mà vẫn đảm bảo cho cơ thể không bị mệt mỏi vì thiếu chất.
Phòng ngừa một số bệnh
Có một số loại nước ép hoa quả giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật rất tốt, như nước ép cam nếu giúp phòng ngừa sỏi thận, nước ép cà chua giúp phòng ngừa ung thư, nước ép việt quất phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu,...
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Nước ép từ cam, kiwi giúp làm giảm căng thẳng đồng thời hỗ trợ cơ thể khôi phục đồng hồ sinh học. Vì thế khi uống những loại này bạn sẽ dễ ngủ ngon để đảm bảo sức khỏe.
Phòng bệnh huyết áp cao
Những người có chế độ giàu rau củ quả và sản phẩm ít chất béo bão hòa nói riêng và chất béo nói chung sẽ có huyết áp ổn định hơn.
Uống nước ép sai cách có gây hại không?
Mặc dù nước ép trái cây là thức uống có giá trị dinh dưỡng và dễ hấp thụ nhưng uống quá nhiều hoặc chỉ uống nước trái cây không chưa hẳn đã tốt cho sức khỏe.
Ảnh hưởng không tốt tới dạ dày, ruột
Uống nước ép vào sáng sớm hoặc lúc đói bụng có thể gây hại cho dạ dày bởi lượng axít có trong nước ép.
Sử dụng nước ép với sữa cũng gây ra tình trạng đau bụng hoặc đau dạ dày với người có dạ dày yếu, đồng thời làm giảm hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.
Nước ép khi dùng chung với một số loại thuốc có thể làm giảm nồng độ enzyme có trong ruột non, tăng nguy cơ hấp thụ thuốc vào trong máu tạo ra các tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Khiến lượng đường trong máu tăng đột biến
Nhiều loại trái cây chứa nhiều đường tự nhiên. Khi ép trái cây là cô đặc lượng đường đó thành một thức uống ngọt ngào dễ uống.
Tuy nhiên, chính loại chất lỏng chứa nhiều đường này có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Khi gan nhận quá nhiều đường hoặc không kịp chuyển hóa, lượng đường dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ tích tụ, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường.
Rối loạn tiêu hóa
Một thói quen thường được mọi người áp dụng là làm nhiều nước ép trong một lần và dự trữ trong tủ lạnh để dùng dần.
Khi bảo quản dài ngày trong tủ lạnh, các chất dinh dưỡng trong nước ép có xu hướng bị biến đổi hoặc làm giảm tác dụng. Do đó, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi.
Gây ra bệnh gout ở phụ nữ
Hiệp hội Y khoa Mỹ đã công bố một nghiên cứu cho biết nước ép hoa quả có hàm lượng đường fructose quá lớn. Phụ nữ uống nhiều nước quả ép hoặc soda mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh gout cao gấp đôi so với những người thỉnh thoảng mới uống.
Mất chất xơ
Trái cây có một lợi ích quan trong là cung cấp chất xơ có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, trong quá trình ép, trái cây thường bị loại bỏ hầu hết các chất rắn, bao gồm cả hạt và cùi, khỏi toàn bộ trái cây. Chính quá trình đó đã làm biến mất chất xơ trong trái cây.
Những lưu ý khi uống nước ép trái cây
Dù nước ép trái cây nhiều có công dụng tốt cho cơ thể nhưng không vì thế mà tùy ý lạm dụng. Để đạt được hiệu quả thực sự cho sức khỏe từ việc uống nước ép, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Chỉ dùng nước ép nguyên chất, không thêm đường hay bất cứ loại phụ gia nào khác.
- Mỗi ngày chỉ nên uống lượng vừa đủ. Trong đó, trẻ em từ 1-3 tuổi uống không quá 100ml; trẻ em từ 4-6 tuổi uống trong khoảng 100-170ml; trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn uống không quá 220ml.
- Nên uống nước ép trái cây vào buổi sáng bởi đây là thời điểm tốt nhất để cơ thể hấp thụ được các loại khoáng chất và vitamin.
- Chỉ nên uống nước ép trái cây trong vòng 2 tiếng sau khi ép xong nhưng cần bảo quản trong bình/chai có nắp kín chứ không nên để quá lâu ngoài không khí.
- Tránh uống thường xuyên các loại nước ép giàu tính axít như cam, bưởi,… vì chúng có thể gây ra cảm giác ợ nóng khó chịu và gây mất ngủ.
- Nên ưu tiên lựa chọn nước ép từ các loại trái cây có hàm lượng đường thấp nhưng vẫn là nguồn cung cấp vitamin phong phú như bưởi, dừa, nho, ổi, thanh long,...
- Chế biến nước ép cần đảm bảo vệ sinh từ quá trình ngâm rửa cho đến khi ép nước. Dụng cụ làm, chứa nước ép cũng cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
- Nên dùng nước ép trái cây kèm với việc ăn nguyên trái và bổ sung thêm rau củ mỗi ngày./.