Uống rượu, 2 người đàn ông nhập viện cấp cứu,1 người tử vong

Sau khi cùng nhau uống rượu, 2 người đàn ông ở Nghệ An phải nhập viện cấp cứu, 1 người đã tử vong do ngộ độc Methanol quá nặng.

Ngày 6/12, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, khoa chống độc vừa tiếp nhận hai bệnh nhân bị ngộ độc Methanol (một loại cồn công nghiệp).

Cụ thể, ngày 28/11, nam bệnh nhân Đ.T.T. (41 tuổi, trú TP Vinh) vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu và giúp bệnh nhân có lại mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục chữa trị. Bệnh nhân được nhanh chóng tiến hành cấp cứu thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, do tình trạng nặng nên bệnh nhân đã tử vong.

Bệnh nhân ngộ độc Methanol được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Bệnh nhân ngộ độc Methanol được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Một trường hợp khác là bệnh nhân L.X.Đ. (48 tuổi, TP Vinh, cùng uống rượu với bệnh nhân Đ.T.T.) nhập viện với triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Qua xét nghiệm Methanol trong máu kết quả 63,85 mg/100 ml. Các bác sĩ khoa chống độc đã tiến hành lọc máu một lần, sau đó bệnh nhân xin ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, khoa Chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cho biết, ngộ độc Methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Với trường hợp ngộ độc rượu Methanol nặng như trên, ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu kèm với các biện pháp bổ sung khác; Một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị ngộ độc Methanol, trong đó có đến 30 - 40 ca nặng phải lọc máu.

Methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc ni, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, lau chùi, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau.

Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lượng hóa chất methanol nhiều lại chưa được kiểm soát tốt, dẫn tới lượng lớn hóa chất methanol bị “tuồn” ra ngoài, vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng đóng chai thành các loại rượu rởm. Nhiều loại cồn sát trùng, cồn y tế rởm và có thể nhiều sản phẩm khác bị làm rởm, đã và đang gây tử vong, ngộ độc, để lại di chứng nặng nề cho nhiều người, gây ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát loại hóa chất này.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/uong-ruou-2-nguoi-dan-ong-nhap-vien-cap-cuu1-nguoi-tu-vong-2059969.html