Uống rượu bia khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt: Coi chừng ngộ độc
Sốt và đau là 2 triệu chứng rất thường gặp. Thuốc dùng phổ biến trong trường hợp này là paracetamol. Thế nhưng ở những người thường xuyên uống bia, rượu hoặc nghiện bia, rượu... mà lại uống thuốc thuốc giảm đau, hạ sốt này rất dễ bị ngộ độc.
Cơ chế gây độc
Gan chịu trách nhiệm chuyển hóa paracetamol và alcohol. Trong khi đó, cả 2 chất này đều gây độc cho gan. Bản thân paracetamol có thể gây độc cho gan nếu dùng quá liều. Khả năng gây độc này là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương gan cấp tính. Phần lớn lượng paracetamol được hấp thu trải qua quá trình chuyển hóa thuốc ở gan. Sau đó, sẽ thải trừ qua nước tiểu - thận, hoặc qua mật. Quá trình tiêu hóa sẽ chuyển khoảng 5-10% lượng paracetamol thành chất độc là NAPQI. Gan tạo ra chất giải độc gọi là glutathione với lượng nhất định để trung hòa NAPQI. Khi uống quá liều khuyến cáo paracetamol, gan không đủ khả năng sản xuất glutathione để trung hòa chất độc NAPQI, dẫn đến gây độc cho gan.
Rượu bia được chuyển hóa tại gan. Trong quá trình chuyển hóa alcohol cũng tạo ra nhiều chất độc. Lâu dần sẽ tồn đọng trong cơ thể, phá hủy tế bào gan làm tăng nguy cơ men gan cao, viêm gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan - đe dọa tính mạng người bệnh.
Vì vậy, uống bia rượu trong khi dùng paracetamol, thuốc giảm đau thông thường, là hành động gây nguy hiểm cho gan, sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ gây tổn thương gan.
Thông thường uống một lượng nhỏ bia rượu trong liệu trình điều trị giảm đau bằng paracetamol được cho là an toàn. Tuy nhiên, khi điều trị paracetamol với liều cao hoặc uống cùng bia rượu, có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng - với khả năng gây tử vong do hoại tử gan. Nguy cơ này gia tăng ở những người có hội chứng rối loạn uống rượu hay chứng nghiện rượu.
Sử dụng thuốc giảm đau có thành phần acetaminophen trong khi uống bia rượu có thể chuyển hóa thành một dạng chất độc mạnh là acetylbenzoguinoneimin - gây tổn thương gan, thậm chí gây tử vong trong nhiều trường hợp. Nếu chỉ thuốc giảm đau trong ngày để giảm đau thì không làm tăng nguy cơ tổn thương gan nhiều. Tuy nhiên, nếu đang uống thuốc giảm đau hằng ngày (ví dụ để điều trị viêm khớp) đồng thời uống nhiều bia rượu, thì đây chính là một nguy cơ làm tăng tổn thương gan, gây quá tải chức năng giải độc gan, về lâu dài có thể gây viêm gan, ung thư gan, xơ gan.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng bia rượu cùng paracetamol: đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, tổn thương gan, nhịp tim nhanh, gây chóng mặt, buồn ngủ và khó thở.
Các chuyên gia cho rằng, những người thường uống trên 3 đơn vị rượu/ngày (khoảng 75ml) nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng paracetamol.
Làm gì để giảm nguy cơ
tổn thương gan?
Các triệu chứng thường gặp khi có tổn thương gan: vàng da, đau ở phía trên bên phải vùng bụng hoặc dưới lồng ngực, phình bụng, buồn nôn và nôn, đổ mồ hôi quá mức, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, thâm tím bất thường hoặc chảy máu dưới da. Khi có bất kỳ các triệu chứng bất thường kể trên, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Tổn thương gan có thể làm suy yếu chức năng gan. Gan không chỉ loại bỏ các chất độc ra khỏi máu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và tiêu hóa thức ăn.
Có thể giảm nguy cơ tổn thương gan bằng cách: Không dùng quá liều khuyến cáo paracetamol (3.000mg/ngày cho người lớn), cần cần thận khi phối hợp nhiều thuốc cùng chứa paracetamol (do paracetamol có rất nhiều biệt dược), không dùng paracetamol trong hơn 10 ngày liên tiếp để giảm đau, hoặc 3 ngày liên tiếp để hạ sốt; không uống hơn 3 đơn vị rượu/ngày khi đang điều trị với paracetamol.