Uống sữa là đau bụng, tiêu chảy: Tập uống thế nào để khỏi?
Con tôi mua sữa người già và sữa tươi để tôi uống bổ sung canxi. Song, mỗi lần uống sữa vào là tôi có cảm giác bụng lềnh bềnh, tiêu chảy, ăn uống kém...
Bạn đọc Phạm Thị Vân Anh (63 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM), hỏi: Chào bác sĩ, thời gian dịch bệnh vừa qua tôi không dám đi ra ngoài nhiều, con cháu sợ sẽ ảnh hưởng đến xương cốt nên có mua sữa cho tôi uống (sữa tươi lẫn sữa công thức). Nhưng không biết có phải là do không quen vì từ nhỏ đến giờ hầu như không uống, mà tôi cảm thấy rất khó chịu mỗi khi uống sữa: cảm giác bụng lềnh bềnh, trướng, sau đó còn bị tiêu chảy, rồi vì khó chịu mà ăn uống kém đi. Xin cho hỏi như vậy có sao không? Tôi có nên cố gắng uống không, nếu không uống thì có sợ bị thiếu canxi hay loãng cương không?
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào chị, sữa là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có đường Lactose, còn gọi là đường sữa, có sẵn tự nhiên trong sữa mẹ, sữa bò, sữa dê... Được hấp thu và tiêu hóa dễ dàng nhờ men Lactase trong hệ tiêu hóa. Đây là một men tiêu hóa được sinh ra ở ruột non giúp phân hóa đường Lactose thành 2 loại đường Glucose và Galactose dễ hấp thu và có ích cho cơ thể. Tùy vào lượng men Lactase trong hệ tiêu hóa mà mỗi người có khả năng tiêu hóa lượng Lactose khác nhau.
Khi hệ tiêu hóa không có men Lactase (bệnh lý bẩm sinh) hoặc thiếu men Lactase do giảm sản xuất (do cai sữa hoặc không uống sữa thời gian dài), một lượng lớn Lactose không được phân hóa đến ruột già (đại tràng). Các vi khuẩn lên men tại ruột già sẽ tác động tạo ra lượng lớn khí gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.
Như vậy, do chị một thời gian dài không uống sữa nên hệ tiêu hóa ít sản xuất men Lactase, gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Để khắc phục tình trạng này, chị nên tập uống mỗi lần một lượng ít sữa sau ăn, hoặc kèm ăn nhẹ để pha loãng lượng Lactose trong sữa và giúp hệ tiêu hóa tăng sản xuất từ từ Lactase, tiêu hóa Lactose trong sữa.
Về vấn đề loãng xương, ở tuổi chị, cũng nên đi khám để được kiểm tra và tư vấn thêm về việc bổ sung canxi. Nếu cần thiết, có thể bổ sung canxi qua thuốc viên hoặc ống. Chúc chị khỏe!