Uống thuốc trôi nổi trên mạng chữa tiểu đường coi chừng biến chứng suy thận
Người đàn ông mắc tiểu đường tự điều trị bằng phương pháp tìm kiếm trên mạng, hậu quả bị suy thận cấp và sẽ chạy thận suốt đời.
Bệnh nhân D.T.B. (58 tuổi, ngụ tại TPHCM) mắc đái tháo đường đã lâu, nhưng lại thường xuyên tìm hiểu những phương pháp điều trị không chính thống trên mạng. Gần đây, ông B. cảm thấy mệt mỏi nhiều, sụt cân nhanh, phù 2 chân ngày càng tăng dần, khó thở và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đường huyết, huyết áp tăng cao kèm suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo cấp cứu.
Khi đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân được điều trị tích cực, qua được cơn nguy kịch, song tình trạng suy thận của bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối. Để dùy trì sức khỏe bệnh nhân cần phải điều trị lọc máu định kỳ, sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, huyết áp và các bệnh lý kèm theo khác.
Bác sĩ đang thăm khám cho 1 bệnh nhân đái tháo đường tại BV Đại học Y dược. Ảnh: Nam Phương
Theo bác sĩ Trần Thị Thùy Dung, Khoa Nội tổng hợp, nguyên nhân dẫn đến biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do lượng đường trong máu cao kéo dài gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận. Từ đó dẫn đến tình trạng xuất hiện đạm bất thường trong nước tiểu, chức năng lọc của thận suy giảm, tiến triển nặng dần và gây ra suy thận giai đoạn cuối. Nguy hiểm hơn, hầu hết những triệu chứng bệnh thận do ĐTĐ thường rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan, không chủ động thăm khám khiến các biến chứng này thường phát hiện ở giai đoạn muộn và gây khó khăn cho việc điều trị.
Trước đó, báo VietNamnet cũng thông tin về một trường hợp “Một phụ nữ Sài Gòn tửu vong sau khi uống thuốc tiểu đường chứa chất cấm”. Các chuyên gia khuyến cáo những bệnh nhân mắt đái tháo đường nên thăm khám kiểm tra thường xuyên ở các cơ sở y tế.
Một số nghiên cứu cho thấy, trên thế giới có khoảng 20 - 40% người bệnh ĐTĐ bị biến chứng thận. Đây là một dạng biến chứng nguy hiểm vì diễn tiến ấm thầm, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối khiến người bệnh phải điều trị thay thế thận (lọc máu chu kỳ, ghép thận…) với chi phí điều trị cao. Ngoài ra, người bệnh ĐTĐ kèm bệnh thận mạn có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 2,5 lần và nguy cơ tử vong tăng gấp 4 lần so với người bệnh ĐTĐ không kèm bệnh thận mạn.