USAID LinkSME tiếp tục nâng cao năng lực cho DNNVV Việt Nam
Dự án Thúc đẩy Cải cách và Nâng cao Năng lực kết nối của Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ (USAID LinkSME) LinkSME sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị hỗ trợ DN nhằm giúp cộng đồng DN nhỏ và vừa gia nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới.
Tại “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” do Cục Xúc tiến Thương mại và Sở Công Thương Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội tổ chức hôm 28/5 tại Hà Nội, bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME cho biết, trong 3 tháng vừa qua trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dự án đã nhận được gần 100 đề nghị kết nối của bên mua tìm kiếm nguồn cung các sản phẩm trang thiết bị bảo hộ cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng nhà kết nối thực sự chỉ có khoảng 25 - 30, còn lại chủ yếu là DN môi giới. Cho đến nay, dự án đã nhận được đơn đăng ký của hơn 200 doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Theo quy trình, dự án tiến hành sàng lọc các nhà mua quốc tế và 200 DN Việt Nam nói trên dựa trên các tài liệu gửi kèm đơn đăng ký. Sau đó, các chuyên gia của Dự án USAID LinkSME đến nhà máy để đánh giá năng lực của các DN.
Chỉ trong vòng 3 tháng, giá trị ước tính đơn hàng mà dự án giới thiệu đã lên đến hàng trăm triệu USD và đơn hàng lớn nhất trị giá trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, bà Liên cho biết, số lượng các DN đưa được hay giới thiệu được các chứng chỉ CE, FDA để kết nối với các thị trường còn quá ít ỏi và có đến trên 90% là giấy tờ chưa được công nhận bởi phía thị trường châu Âu hay Mỹ.
USAID LinkSME đã làm việc với rất nhiều nhà mua quốc tế, các đơn vị nước ngoài để xác định cụ thể nhu cầu của họ bên cạnh yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.
Dự án đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp như Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị trực thuộc của Cục, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME), các Hiệp hội ngành nghề và Sở Công thương các tỉnh, thành phố. "Chúng tôi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị này, đồng hành cùng họ hỗ trợ DN một cách tốt nhất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được với yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng của các nước, tham gia chuỗi cung ứng" bà Dương Thị Kim Liên chia sẻ.
Dự án sẽ tổ chức liên tục các khóa đào tạo cho các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp về kỹ năng kết nối thị trường, quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng đầu tư…
"Chúng tôi mong muốn thông qua sự kiện này, chúng tôi cùng các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp sẽ cung cấp nhiều hơn các cơ hội kết nối thực sự cho cộng đồng DNNVV", bà Dương Thị Kim Liên nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của dự án, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, với sự giúp đỡ của dự án trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ được rất nhiều DNNVV trên cả nước, tổ chức các hình thức xúc tiến thương mại từ kết nối giao thương trong nước đến kết nối thương mại với giao thương trực tuyến, thông qua việc hỗ trợ chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Vũ Bá Phú bày tỏ mong muốn được dự án hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DNNVV Việt Nam trong thời gian tới, qua đó nâng cao năng lực của DN, gia nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (gọi tắt là USAID LinkSME). Dự án hỗ trợ kỹ thuật này được thực hiện trong 5 năm với tổng kinh phí 22,1 triệu đô la Mỹ.
Trong khuôn khổ hợp phần 3 “Kết nối thị trường” do Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì thực hiện tăng cường năng lực cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như các hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, và các đơn vị xúc tiến thương mại cho DNNVV…; và hỗ trợ thúc đẩy mối quan hệ cung-cầu giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp đầu chuỗi tại Việt Nam, nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên cơ sở phối hợp với Chính phủ Việt Nam, dự án USAID LinkSME hướng tới mục tiêu góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; cắt giảm chi phí tuân thủ; và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển; Thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh giữa các DNNVV Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng; Nâng cao năng lực của các DNNVV Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.