USD yếu nhất 8 tháng

USD liên tục suy yếu vì giới đầu tư tin rằng Fed sẽ bớt 'diều hâu' hơn trong năm nay. Điều này giúp euro tăng cao nhất so với USD trong 8 tháng.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 10/1 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của USD với các tiền tệ lớn khác - có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 103 điểm, rồi phục hồi phần nào lên 103,19, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 10/6/2022.

"Phố Wall đang phán đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm vào cuối năm nay", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.

"Giới đầu tư hy vọng về một 'cú tiếp đất nhẹ nhàng' trong năm nay. Báo cáo CPI quan trọng của Mỹ (được công bố vào tuần sau) có thể cho thấy xu hướng hạ nhiệt của lạm phát vẫn còn nguyên vẹn", ông nói thêm.

Chỉ số USD rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Ảnh: Trading Economics.

Chỉ số USD rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Ảnh: Trading Economics.

Tiếp đất nhẹ nhàng?

Đà giảm của lạm phát sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong vòng một năm qua, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ đã đẩy đồng bạc xanh tăng vọt.

Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kìm hãm lạm phát. Trong năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%.

Vào tháng 9 năm ngoái, đồng bạc xanh đã vọt lên mức cao nhất 20 năm so với rổ tiền tệ.

Các dữ liệu mới nhất chỉ ra tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố, số việc làm trong tháng 12 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng giảm tốc tăng trưởng.

Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.

Các dữ liệu về khu vực dịch vụ và thị trường lao động tại Mỹ cho thấy những động thái tăng lãi suất liên tiếp của Fed trong vòng gần một năm qua đã phát huy tác dụng.

Euro, vàng hưởng lợi

Đà giảm của USD giúp các tiền tệ khác hưởng lợi. Đồng euro tiến sát mốc 1,076 USD đổi 1 euro, đánh dấu mức cao nhất trong hơn 8 tháng. Còn bảng Anh được giao dịch quanh ngưỡng 1,21 USD đổi 1 bảng Anh.

Trong phiên giao dịch ngày 9/1, giá vàng giao ngay trên sàn New York vọt lên 1.880 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 8 tháng.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng đà tăng của USD vẫn được duy trì đến giữa năm sau.

"Các thị trường ngoại hối cho rằng những ngân hàng trung ương sẽ nhẹ tay hơn để đảm bảo rằng nền kinh tế có thể 'tiếp đất nhẹ nhàng' vào năm sau. Nhưng tình hình thực tế có khả năng tồi tệ hơn", ông Chris Turner và Francesco Pesole - 2 chiến lược gia tại ING - bình luận.

Euro tăng mạnh so với USD. Ảnh: Trading Economics.

Euro tăng mạnh so với USD. Ảnh: Trading Economics.

"Chúng tôi tin rằng đồng USD vẫn sẽ mạnh vào đầu năm 2023", các chuyên gia cho biết.

Wells Fargo cũng cho rằng năm 2023 là "cơn sốt cuối cùng" của đồng bạc xanh trước khi bước vào xu hướng suy yếu.

"Đồng bạc xanh sẽ mạnh lên vào đầu năm 2023. Fed có khả năng tăng lãi suất mạnh tay hơn những gì thị trường dự đoán. Điều này hỗ trợ USD", Well Fargo dự báo.

"Chúng tôi tin rằng Fed sẽ thắt chặt hơn những gì đang được định giá trên các thị trường tài chính, và cũng quyết liệt hơn những ngân hàng trung ương khác", nhà băng này cho biết.

Nhưng đến giữa năm sau, đồng bạc xanh sẽ bước vào đà suy yếu vì nền kinh tế Mỹ giảm tốc.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/usd-yeu-nhat-8-thang-post1392516.html