Út 'Trọc': 'Tôi bị nói ngu vì mua quyền thu phí giá quá cao'

'Tôi mua quyền thu phí xong những người trên cả nước đều nói tôi ngu nhất vì mua giá quá cao', Út 'Trọc' nói khi bào chữa trước tòa.

Út 'Trọc' phản bác cáo buộc khi tự bào chữa trước tòa Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") khai tại phiên tòa rằng không hề trao đổi gì với ông Đinh La Thăng về việc tạo điều kiện để tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Sáng 19/12, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc") đối đáp lại quan điểm buộc tội của VKS. Tòa làm việc tới hơn 13h mới tạm nghỉ.

Trong vụ án này, Út "Trọc" bị cáo buộc có hành vi gian dối chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực, báo cáo tài chính của Công ty Yên Khánh và Khánh An từ kinh doanh thua lỗ thành kinh doanh có lãi để đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Ngay sau khi tiến hành khai thác, Hệ đã chỉ đạo nhân viên dùng phần mềm can thiệp vào doanh thu thu phí cao tốc để chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.

725 tỷ đồng là của Út "Trọc"

Bào chữa cho Hệ, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng ông Đinh Ngọc Hệ là người chỉ đạo chung, còn trực tiếp thực hiện các hành vi làm giả báo cáo tài chính hay sử dụng phần mềm can thiệp vào doanh thu thu phí là những bị cáo khác.

Út "Trọc" thừa nhận hành vi của mình chứ không hoàn toàn phủ nhận. Nhưng Hệ không phải chỉ đạo lừa đảo mà chỉ nhằm mục đích đấu thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

 Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang. Ảnh: Minh Thừa.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang. Ảnh: Minh Thừa.

Người bào chữa của ông Hệ cho rằng thân chủ không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi nếu không chứng minh được hành vi gian dối và mục đích chiếm đoạt thì không cấu thành tội danh này.

Để chứng minh Hệ không lừa đảo, luật sư cho rằng phải làm rõ tài sản bị chiếm đoạt thuộc sở hữu của ai, bị chiếm đoạt từ khi nào. Bộ GTVT được xác định bị hại trong vụ án nhưng chưa được cơ quan điều tra hay VKS mời lên để chứng minh quyền sở hữu tài sản của họ bị Hệ chiếm đoạt.

"Quá trình luật sư thẩm vấn Bộ Tài chính, cơ quan này nói 2.004 tỷ là giá trị quyền thu phí, do hội đồng định giá tự định chứ Hệ không thể nào can thiệp vào giá này được", luật sư Huyền Trang trình bày.

Giả sử có gian dối về hồ sơ tài chính, Bộ GTVT là người sở hữu thì Hệ chỉ nộp hồ sơ để xin đấu giá quyền thu phí. Cơ quan của bộ này đã thẩm tra và cho rằng Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An có đủ năng lực tham gia đấu giá. Công ty của Út "Trọc" không tự đi nộp quỹ đấu thầu nếu hội đồng đấu giá không cho phép. Trên cơ sở đó, luật sư cho rằng không thể nói Hệ gian dối.

Nếu căn cứ số liệu và chứng cứ đã trình bày, người bào chữa của Út "Trọc" cho rằng 725 tỷ này là khách thể tội phạm trốn thuế.

"Tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án này là quyền thu phí hay doanh thu? Nói Hệ chiếm đoạt 725 tỷ là tài sản hay quyền? Nếu là doanh thu thì đây không phải khách thể của tội phạm lừa đảo mà là tội trốn thuế. Ở đây có sự mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ pháp lý", luật sư đối đáp.

Luật sư cho rằng những điều này tại phiên tòa sơ thẩm không thể khắc phục được. Do đó đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Út "Trọc" tiếp tục phản bác cáo buộc

Mở đầu phần trình bày, Út "Trọc" xin lỗi cơ quan tố tụng vì quá trình điều tra có những lời khai không đúng về phần tài sản. Một số tài sản Hệ nói không phải của Hệ hay nhờ cháu gái đứng tên, thực chất đó là của bị cáo.

Tự bào chữa cho mình, Hệ khẳng định không lợi dụng ảnh hưởng với người khác để trục lợi như cáo buộc của VKS.

 Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Cáo trạng nêu Hệ đã thỏa thuận để ông Phạm Văn Thăng (Tổng giám đốc Công ty CP Licogi 13) thi công hạng mục gói thầu XL.01-3. Đổi lại, ông Phạm Văn Thăng sẽ bán rẻ cho Út "Trọc" căn biệt thự BT01, qua đó giúp bị cáo trục lợi hơn 3,4 tỷ đồng.

Đinh Ngọc Hệ cho rằng căn nhà mua của ông Phạm Văn Thăng vào thời điểm đó là công ty của người này chưa có được chỉ định thực hiện dự án BOT cầu Việt Trì. Khi Phạm Văn Thăng bán nhà cho Hệ thì ông ta không hề biết công ty của mình sẽ được tham gia thi công dự án. Do đó, Út "Trọc" cho rằng không thể quy buộc bị cáo dùng ảnh hưởng để trục lợi 3,4 tỷ đồng.

Với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đinh Ngọc Hệ nói về chủ trương và đưa ra giá thầu là bị cáo chủ trương nhưng giao công việc sau đó cho Phạm Văn Diệt. Đến khi khởi tố bị cáo mới biết quá trình thực hiện có nhiều hành vi gian dối.

“Mong HĐXX điều tra xem tiền gian đối đi về đâu vì tôi không hề biết nên rất bức xúc", Hệ trình bày.

Út "Trọc" khẳng định lại như lời khai tại phiên tòa rằng bị cáo không hề trao đổi gì với ông Đinh La Thăng về việc tạo điều kiện cho Út "Trọc" tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Sau này qua lời giới thiệu của môt người khác, bị cáo mới biết Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long).

"Tôi mua quyền thu phí xong những người trên cả nước Việt Nam đều nói tôi ngu nhất vì mua giá quá cao", Út "Trọc" nói và mong HĐXX xem xét tội danh cho bị cáo.

"Tôi mua và đã trả tiền đầy đủ rồi. Tôi không gian dối, không chỉ đạo. Tiền đó (725 tỷ - PV) là tiền của Công ty Yên Khánh chứ không phải của Công ty Cửu Long hay của Bộ GTVT", Đinh Ngọc Hệ kết thúc phần tự bào chữa.

Chiều nay, đại diện VKS đối đáp lại quan điểm của các luật sư.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ut-troc-toi-bi-noi-ngu-vi-mua-quyen-thu-phi-gia-qua-cao-post1164809.html