Ưu ái lao động lớn tuổi

Nhiều doanh nghiệp vẫn tạo điều kiện để công nhân quá tuổi hưu được làm việc nhằm ổn định cuộc sống

Công ty TNHH May thêu Hà Giang (sản xuất kimono, quận Gò Vấp) là doanh nghiệp (DN) "đặc biệt" khi có đến gần 50% lao động ở độ tuổi từ 50 trở lên, trong đó nhiều lao động sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc.

Không lo mất việc

Thành lập từ năm 1997, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay Công ty May thêu Hà Giang đã trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất kimono. Theo ông Trần Vinh Phùng, Giám đốc công ty, quá trình phát triển ấy có công đóng góp rất lớn của người lao động (NLĐ). Do vậy, ban giám đốc luôn xem họ là tài sản quý giá, luôn cố gắng hết sức chăm lo cho họ.

Trong lĩnh vực sản xuất kimono, hầu hết các khâu đều làm thủ công nên yêu cầu cao đối với NLĐ về tay nghề, sự chỉn chu từng sản phẩm. Vì vậy, Công ty TNHH May thêu Hà Giang khuyến khích NLĐ gắn bó đến lúc nghỉ hưu, thậm chí sau khi nghỉ hưu, nếu họ vẫn có nhu cầu làm việc để kiếm thêm thu nhập, công ty vẫn sẵn sàng tạo điều kiện.

Bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết công ty tạo cơ chế làm việc linh hoạt hơn đối với những công nhân (CN) lớn tuổi. Các chị có thể làm việc tại xưởng hoặc nhận nguyên liệu về may tại nhà và không bị áp lực về năng suất. Tùy khả năng, CN vẫn được thưởng và được hỗ trợ bữa ăn giữa ca giống như những CN khác.

Dù đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng nhờ giỏi nghề nên bà Tạ Thị Loan được DN giữ lại làm việc. Bà cho biết: "Sau khi nghỉ làm, do lương hưu thấp cộng với gia cảnh đơn chiếc nên tôi vẫn quyết định ở lại làm việc. Điều đáng mừng là DN không chê lao động lớn tuổi mà vẫn tận tình hỗ trợ để chúng tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống".

Phân xưởng đóng tại quận Phú Nhuận của Công ty CP May da Xuất khẩu 30/4 sử dụng khá nhiều CN lớn tuổi. Dù năng suất lao động của NLĐ không cao nhưng ban giám đốc vẫn tạo điều kiện để CN làm việc đến tuổi hưu. Thậm chí sau khi nghỉ hưu, họ vẫn có thể tiếp tục làm việc. CN Trần Thị Đoan Trang tâm sự: "Trải qua thời gian khó khăn kéo dài nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất để chúng tôi có việc làm, không để CN, nhất là CN lớn tuổi bị mất việc. DN có thiện chí chăm lo nên chúng tôi có thể yên tâm làm việc cho đến lúc nghỉ hưu".

Lao động lớn tuổi làm việc tại Công ty TNHH May thêu Hà Giang. Ảnh: THANH NGA

Lao động lớn tuổi làm việc tại Công ty TNHH May thêu Hà Giang. Ảnh: THANH NGA

Nghĩa tình của doanh nghiệp

Tại Công ty TNHH Nhựa Anh Dũng (quận 8, TP HCM), cũng có 1/3 là lao động lớn tuổi và lao động qua tuổi hưu.

Theo ông Phùng Nhựt Thanh, trợ lý giám đốc công ty, sử dụng lao động lớn tuổi là chính sách của ban giám đốc nhằm tri ân những NLĐ đã cống hiến cho công ty từ những ngày đầu thành lập. Một số CN sau khi nghỉ hưu, do hoàn cảnh đơn chiếc hoặc kinh tế khó khăn vẫn có nguyện vọng đi làm thì DN vẫn tạo điều kiện cho họ ở lại. Để tăng năng suất lao động, nhiều năm qua, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại.

Đến nay, hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất đều được tự động hóa. "Lúc đầu công ty rất lo khi huấn luyện vận hành máy móc cho lao động lớn tuổi, thế nhưng họ thích nghi rất nhanh. Số lao động này cống hiến cả tuổi trẻ cho DN, vì vậy, chúng tôi sẽ tạo mọi thuận lợi để họ có công ăn việc làm. Đó là cái tình DN dành cho NLĐ" - ông Thanh bày tỏ.

Sau khi nghỉ hưu tại Tổng Công ty Việt Thắng (TP Thủ Đức, TP HCM), năm 2015, bà Nguyễn Thị Trang được Công đoàn tổng công ty mời làm việc tại cửa hàng Công đoàn. Với bà Trang, công việc lúc này rất có ý nghĩa với bà khi ấy vì chồng vừa mất, con trai lớn mới vào đại học, con trai nhỏ còn học phổ thông. Bà Trang cho hay: "Khi nghỉ hưu, tôi rất hụt hẫng vì gia đình quá khó khăn. May mắn là tôi được nhận vào phục vụ của cửa hàng Công đoàn. Khoản thu nhập này hằng tháng giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình".

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng, Công đoàn tổng công ty đã mời 3 lao động từng là CN, cán bộ Công đoàn nghỉ hưu để phục vụ tại cửa hàng Công đoàn và nhà ăn của doanh nghiệp. Riêng CN trực tiếp sản xuất, ở những bộ phận cần thiết, doanh nghiệp giữ NLĐ đã nghỉ hưu thêm 1 năm để kèm cặp cho thợ mới. Các anh chị đều có kinh nghiệm và làm việc rất tốt" - bà Hằng nhận xét.

Lao động lớn tuổi có ưu thế riêng

Ngành dệt may TP HCM đang sử dụng khá nhiều lao động lớn tuổi (từ 45-58 tuổi). Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn (400 người), Công ty CP Thương mại XNK May Phương Nam (100 người), Công ty TNHH May thêu An Phước (665 người), Công ty TNHH Mountech (90 người)… Bà Nguyễn Thị Khánh Điệp, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may TP, cho biết với chủ sử dụng lao động, việc người đã nghỉ hưu vẫn tham gia lao động cũng mang lại những lợi ích không nhỏ. Họ có tay nghề thành thạo, không phải mất thời gian đào tạo như lao động mới tuyển. Mặt khác, lực lượng lao động đến tuổi nghỉ hưu còn có ưu thế riêng là kinh nghiệm làm việc. Việc duy trì việc làm cho người ở tuổi hưu đang được nhiều nước thực hiện.

THANH NGA - HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/uu-ai-lao-dong-lon-tuoi-20230626190016356.htm