Ưu đãi giáo viên trẻ, nhưng đừng bạc bẽo với giáo viên già

Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có chế độ đãi ngộ đúng mức.

Thông tin ngày 1/7/2022 tới đây, giáo viên các cấp sẽ bị cắt thâm niên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 đang làm nhiều gia đình nhà giáo bất an, lo lắng.

Lo vì bỗng dưng mất đi tiền triệu, đặc biệt là gia đình có 2 vợ chồng đi dạy một tháng phải hụt chi tiêu đến vài triệu đồng, lỗ hổng về tài chính quá lớn thế này biết lấy khoản nào bù lại?

Suốt ngày tất bật trên lớp, ra khỏi trường giáo viên làm thêm đủ việc để lo cho cuộc sống (Ảnh: Lã Tiến)

Suốt ngày tất bật trên lớp, ra khỏi trường giáo viên làm thêm đủ việc để lo cho cuộc sống (Ảnh: Lã Tiến)

Xóa bỏ phụ cấp thâm niên để ưu đãi giáo viên trẻ?

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng cho biết:

Thời gian tới, phụ cấp thâm niên sẽ bị xóa bỏ.

Phụ cấp này đang là nguyên nhân phân cấp giữa giáo viên cao tuổi và giáo viên trẻ. Khi bỏ phụ cấp thâm niên, cũng có nghĩa sẽ xóa được khoảng cách lương giữa người giáo viên lâu năm và giáo viên trẻ, hoặc khoảng cách sẽ được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi.

Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng những người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.

Về tổng thể, có thể tất cả giáo viên đều được nâng lương nhưng sẽ không còn khoảng cách giữa lương của người mới vào ngành và người lâu năm, sẽ giải quyết một số bất cập đang hiện hữu”. [1]

Giáo viên lớn tuổi tâm tư

Rõ ràng, nếu bị cắt phụ cấp thâm niên một giáo viên mới đi dạy vài năm sẽ có mức lương cao gần bằng những thầy cô đi dạy 20 năm. Theo cá nhân người viết, đây chính là thiệt thòi lớn cho những giáo viên đã gắn bó với nghề từ những ngày ngành giáo dục còn vô vàn khó khăn.

Vợ chồng nhà giáo giảm 57% phụ cấp thâm niên, lương nào bù lại được?

Suốt tuổi trẻ của họ sống trong kham khổ, thiếu thốn nhưng vẫn luôn bám trường, bám lớp vì họ hy vọng một ngày nào đó đồng lương ít ỏi sẽ được cải thiện.

Nay tuổi đã bước sang xế chiều, sức khỏe giảm sút, con cái bước vào giai đoạn học tập “ngốn tiền” thì đồng lương lại bị thụt giảm chỉ để rút ngắn khoảng các đồng lương với những đồng nghiệp trẻ.

Cô giáo Lê Thị Vân cho biết: “Tôi ra trường từ 1989 dạy ở miền núi của tỉnh Thanh Hóa , không điện , không nước, nhà tranh vách nứa. Lương 1 tháng không mua nổi 1 yến gạo. Đến bây giờ, cắt thâm niên thì quá bất công”.

Cô giáo Hoàng Thị Anh ở Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi cũng là giáo viên đã công tác tại vùng sâu dân tộc Châu Ro, xã Châu Pha từ năm 1989 cho đến nay. Nơi đây mãi đến năm 1997 mới có điện, cuộc sống muôn vàn khó khăn...

Những lớp học được dựng ven đồi, nhiều lớp chỉ có 10 em nhưng đủ độ tuổi. Những lúc nghỉ ngơi, chúng tôi lại ngồi cắt móng tay hay bắt chấy cho các em.

Với đồng lương quá bèo bọt và rẻ mạt năm đó chỉ có 20,500 ( đồng). Chúng tôi với nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề cố gắng bám trụ, bám trường và hy vọng lương sẽ khá hơn.

Thầy giáo Trần Tình tâm sự: “Lúc mới ra trường, chúng tôi nhận lương chỉ mấy chục nghìn, cuộc sống cơ cực, nhiều người bỏ nghề. Vì yêu nghề, hy vọng vào những lời hứa của người có trách nhiệm sẽ cải cách tiền lương giúp giáo viên sống với nghề nên chúng tôi cố gắng trụ lại.

Khi dạy đủ 5 năm để có phụ cấp thâm niên bị cắt, được chục năm lại đây, nhà nước quan tâm trả lại phụ cấp thâm niên thì nay lại quyết định cắt. Có cảm giác lứa giáo viên chúng tôi ngày ấy gặp quá nhiều thiệt thòi...”.

Nói lương mới giáo viên thu nhập chỉ tăng không giảm là cho chúng tôi ăn bánh vẽ

Thầy giáo Võ Tiến Hưng lo lắng: “Giờ năm mươi mấy tuổi, dạy trên 30 năm, lương trên 10 triệu, nếu cắt thâm niên mất khoảng trên 2 triệu, còn chừng 8 triệu.

Mỗi tháng, lấy ra 6 triệu để đóng học phí đại học cho hai đứa con. Cuối cùng còn 2 triệu để chỉ tiêu cho cả nhà, mọi người nghĩ coi gia đình tôi sống như thế nào đây?”.

Thầy Nguyễn Văn Thi cùng tâm trạng: “Trước đây sức còn tốt, tôi thường xuyên làm thêm để đủ trang trải trong gia đình. Hiện giờ là 46 tuổi rồi, đâu đủ sức để làm thêm?

Từ trước đến giờ chưa từng dạy thêm, nhưng nếu sắp tới bị cắt thâm niên cũng phải mở một lớp dạy thêm vì không thế chúng tôi sẽ sống thế nào?”.

Cô giáo Nguyễn Thị Nụ cho biết: “Nhiều năm công tác trong nghề, khi trẻ mới vào nghề đồng lương bèo bọt, tháng vài chục ngàn chẳng đủ ăn.

Khi về già ốm yếu bệnh tật, con cái đang học hành cũng chỉ trông chờ vào lương mà lại bị cắt giảm thì không biết sống thế nào đây?

Ngày trẻ sống nghèo khổ nhưng vẫn còn những món ăn tinh thần là những trò ngoan, phụ huynh chia sẻ nên vẫn thấy vui vẻ sống nghèo thanh thản, còn giờ khác xưa nhiều lắm nặng trĩu bao nỗi buồn mấy ai thấu hiểu?

Thầy giáo Vũ Văn Thành cho rằng: “Việc xếp lại lương theo thông tư mới sẽ khuyến khích cho giáo viên trẻ nhưng thật sự bất cập cho giáo viên cao tuổi. Như vậy, thật là bất công và không công bằng với họ”.

Lương nhà giáo có tương xứng với vị thế một nghề mà xã hội tôn vinh là cao quý?

Nói về vấn đề tiền lương cho giáo viên, Giáo sư Trần Hồng Quân từng có ý kiến góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo:

“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang

“Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức”.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng từng cho rằng: “Chế độ tiền lương cho giáo viên không nên thua kém so với những ngành nghề như công an, quân đội và khi sinh viên ra trường phải được phân công bố trí việc làm.

Đối với người làm nhà giáo cần có một chế độ đãi ngộ tốt để luôn luôn giữ đúng vai trò của người thầy không chỉ đối với học sinh mà đối với cả trong sinh hoạt cộng đồng và xã hội.

Đối với chế độ lương cho các giáo viên cần một chế độ thỏa đáng để đúng với vị thế một nghề mà xã hội tôn vinh là cao quý. Chế độ lương tốt để các thầy cô toàn tâm toàn ý hết lòng vì sự nghiệp giáo dục”.

“Đầu tư cho giáo dục không phải đầu tư cho ngày hôm nay mà đầu tư cho tương lai. Trong đầu tư cho ngày hôm nay thì đầu tư cho người thầy - bộ máy cái là đầu tư trực tiếp nhất cho giáo dục”.

Cải cách tiền lương để rút ngắn khoảng cách lương của giáo viên trẻ với giáo viên lâu năm là việc nên làm vì như thế mới thu hút được người tài vào ngành.

Nhưng bỏ phụ cấp thâm niên sẽ làm hạ thu nhập nhiều thầy cô giáo lớn tuổi để khoảng cách lương của những thầy cô này gần bằng với lương giáo viên trẻ là điều không nên và hết sức vô lý.

Làm thế khiến những giáo viên già chúng tôi khó tránh khỏi có cảm giác hụt hẫng vì đã đồng hành cùng với ngành giáo dục trong những năm tháng gian khổ nhất.

Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng viễn cảnh thế này sẽ không xảy ra. Và như thế, cũng là cách tiếp thêm động lực cho những nhà giáo đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.giadinhmoi.vn/luong-moi-cua-giao-vien-giao-vien-moi-ra-truong-se-co-thu-nhap-cao-hon-d27276.html

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nang-luong-cho-giao-vien-la-cach-dau-tu-truc-tiep-tot-nhat-cho-giao-duc-post194795.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/uu-dai-giao-vien-tre-nhung-dung-bac-beo-voi-giao-vien-gia-post216123.gd