Ưu tiên các công trình, dự án có tính cấp bách, quan trọng

Ngày 22/12, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với 2 Sở Xây dựng và Giao thông Vận tải Hà Nội về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở và ngành Xây dựng năm 2020, cũng như định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Đây là 2 lĩnh vực tác động đến nhiều vấn đề dân sinh xã hội của Thủ đô.

Diện tích nhà ở bình quân đạt 26,8m2/người, vượt mục tiêu 2020

Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng sáng 22/12, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đến tháng 12/2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8m2/người, vượt sớm mục tiêu 26,3m2/người (đến năm 2020). Công tác quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị đạt được những kết quả khả quan. Tổng công suất nguồn cấp nước sạch toàn thành phố hiện đạt 1,520 triệu m3/ngày đêm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị; tỷ lệ phủ mạng tại khu vực nông thôn đạt 78% và có 67,6% người dân nông thôn sử dụng nước sạch. Công tác phát triển nguồn và mạng cung cấp nước sạch tiếp tục được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ...

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại: Công tác duy trì vệ sinh môi trường tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn là vấn đề bức xúc, còn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng không đúng nơi quy định. Một số khu vực quận, huyện còn để rác tồn đọng trong ngày. Vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô đã giảm nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ còn chậm…

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu, thời gian tới, Sở Xây dựng phải rà soát để sớm xây dựng dự thảo Chương trình 03-CTr/TU, trong đó, chú ý đến yếu tố về chỉnh trang, hiện đại hóa, phát triển đô thị và phải tập trung toàn lực để sớm tổ chức thực hiện. Đối với công tác quy hoạch, nhất là chương trình phát triển đô thị, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của thành phố để thực hiện và nêu rõ mốc thời gian thực hiện cụ thể.

Bên cạnh đó, Sở cần chọn một số vấn đề như: Công viên, cây xanh, chiếu sáng, cấp/thoát nước, vệ sinh môi trường, nhà tái định cư... để tập trung giải quyết ngay trong năm 2021, tránh lãng phí tài sản, nhếch nhác cảnh quan...

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã giải quyết được 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã giải quyết được 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Tại buổi làm việc buổi chiều cùng ngày với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Giám đốc Sở Vũ Văn Viện cho biết, trên cơ sở nhận diện các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất 9 nhóm giải pháp tương ứng nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

Trong năm 2020, Sở đã rà soát, giải quyết 105/137 kiến nghị của Công an TP, 114/125 kiến nghị của các quận, huyện, thị xã liên quan đến công tác tổ chức giao thông. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Sở đã xử lý 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 “điểm đen” giao thông. Năm 2021, tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10/26 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới.

Ngoài ra, đã thực hiện dự án cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông bằng nguồn ngân sách TP (cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi, Quang Trung; cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu). Xây dựng và triển khai từng bước phương án kết nối tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn để phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác vận hành.

UBND TP đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, vận hành.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ ra nhiều tồn tại của giao thông ở Thủ đô như còn tình trạng “xe dù, bến cóc“, sử dụng xe khách hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, đón khách, bốc dỡ hàng hóa, xe quá khổ, quá tải... gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn giao thông chưa được xử lý dứt điểm. Công tác quản lý các điểm trông giữ phương tiện các tuyến phố còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả kinh tế, vi phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông còn phức tạp…

Bí thư Vương Đình Huệ chỉ đạo, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần rà soát, đánh giá cụ thể kết quả triển khai các dự án trọng điểm về giao thông giai đoạn 2016-2020, đặc biệt các khó khăn, vướng mắc khi triển khai để làm cơ sở xây dựng danh mục giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên các công trình, dự án có tính cấp bách, quan trọng như các công trình đường vành đai, các công trình có tính chất kết nối liên vùng và các công trình nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông…

Đối với công tác chuẩn bị đưa dự án đường sắt đô thị Hà Nội 2A tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác sử dụng, Bí thư Hà Nội yêu cầu Sở đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban quản lý dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông tập trung triển khai một cách tích cực nhất những hạng mục công việc còn lại của Dự án, khẩn trương khắc phục các hư hỏng, xuống cấp tại 12 nhà ga dọc tuyến; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan và các đơn vị thuộc TP Hà Nội trong công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận, hướng dẫn vận hành, đảm bảo tiến độ đã đề ra và an toàn giao thông khi khai thác.

Chi Linh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/uu-tien-cac-cong-trinh-du-an-co-tinh-cap-bach-quan-trong-624678/