Ưu tiên cao nhất cho an toàn của thí sinh và người tham gia làm thi tốt nghiệp
Vừa qua, đoàn kiểm tra thuộc Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở một số địa phương. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh về việc địa phương cần ưu tiên cao nhất cho an toàn của thí sinh và người tham gia làm thi.
Nhanh chóng xét nghiệm COVID cho người làm thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những yêu cầu với các tỉnh về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Trước tình hình hiện nay, Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, quán triệt thí sinh, cán bộ giáo viên tham gia làm thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID- 19. Sở cũng yêu cầu thí sinh, cán bộ giáo viên hạn chế đi đến những nơi không thực sự cần thiết. Các đơn vị nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh tại địa phương, có phương án phòng, chống dịch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức thi.
Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu các điểm thi chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức tốt đợt thi vào các ngày 7 - 8/7 cho những thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế. Theo đó, Sở GD&ĐT Hải Dương lưu ý thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp ngành Y tế để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 100% cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi (kể cả lực lượng dự phòng). Hằng ngày, cập nhật đầy đủ tình hình, số lượng, danh sách thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thể dự thi và nhập vào biểu mẫu online.
Còn tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: "Sở GD&ĐT Quảng Ninh phối hợp với Sở Y tế xây dựng hướng dẫn liên ngành triển khai công tác phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế tham gia làm công tác thi tại các kỳ thi. Sở phối hợp chỉ đạo các đơn vị trường học và cơ quan y tế trên địa bàn lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu trong kỳ thi; tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương để chuẩn bị các điều kiện, phương án phòng chống dịch".
Việc tiêm phòng vaccine COVID-19 được ưu tiên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi. Tính đến ngày 25/6, cán bộ, giáo viên, nhân viên của 51/58 trường THPT và 6/13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã được tiêm vaccine. Cán bộ, giáo viên của các trường còn lại dự kiến được tiêm hết trong tháng 6 này.
Không vì dịch mà bỏ quên chất lượng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 phải đảm bảo mục tiêu kép: Ưu tiên số 1 là an toàn sức khỏe của thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm thi; đảm bảo an toàn quy chế, không phải vì dịch bệnh mà bỏ quên chất lượng.
Thứ trưởng đề nghị địa phương ưu tiên sàng lọc, phân loại thí sinh thuộc các F để bố trí trường hợp nào thi đợt 1, trường hợp nào thi đợt 2. Công tác này phải thực hiện khoa học, chính xác, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, không để em nào bị thiệt thòi vì sự phân loại thiếu chính xác của cơ quan quản lý.
Bộ GD&ĐT khuyến khích: Tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, địa phương thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cho toàn bộ thí sinh, cán bộ làm thi. Những nơi chưa có nguy cơ, nếu có điều kiện thì tổ chức xét nghiệm được nhiều nhất có thể. Việc kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở khu vực in sao đề thi, làm phách… được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý. Bởi ở những không gian khép kín, biệt lập này chỉ cần có một mầm bệnh là nguy cơ lây lan cho tất cả những người tham gia là rất lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý địa phương làm tốt công tác tập huấn quy chế để nâng cao năng lực làm thi của cán bộ, giáo viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi; chuẩn bị cơ sở vật chất và đảm bảo các yêu cầu về an ninh thông tin, an toàn, trật tự cho kỳ thi.
“Tôi mong muốn các địa phương tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn nhưng không căng thẳng. Muốn không căng thẳng thì phải tính toán được các tình huống phát sinh, có biện pháp dự phòng để không bị động. Nếu chúng ta làm tốt được 4 điều: Nắm chắc quy chế; chuẩn bị kĩ các điều kiện; kiểm soát được tình hình và xử lý tốt tình huống phát sinh, thì kỳ thi sẽ diễn ra đảm bảo các yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.