Ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực tạo đà cho kinh tế Tây Nguyên phát triển bứt phá

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên.

Sáng 2/8, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay trong phát triển kinh tế-xã hội; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và đề xuất, kiến nghị với Trung ương.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP

Các địa phương cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội khi có các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương thay vì tổng hợp tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương bằng văn bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vùng Tây Nguyên cũng phản ánh những nút thắt đang làm cản trở quá trình phát triển, nhất là kết nối hạ tầng nội vùng với các trung tâm kinh tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập dẫn đến khó thu hút đầu tư; tiềm năng lợi thế rừng chưa được khai thác hiệu quả để tạo sinh kế cho người dân sống và làm giàu từ rừng; chất lượng chăm sóc y tế còn nhiều bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương phải hồi bước đầu về những ý kiến, kiến nghị của địa phương; cập nhật về tình hình sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch bauxite, cấp đất ở và đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, in sách giáo khoa cho học sinh dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tạo đà cho kinh tế Tây Nguyên phát triển bứt phá. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tạo đà cho kinh tế Tây Nguyên phát triển bứt phá. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tây Nguyên trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức; khẳng định Trung ương chưa bao giờ xem nhẹ vai trò của Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác do chưa có cơ chế hoặc cơ chế chưa đủ sức giúp vùng tạo được bứt phá, vì vậy cần có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực.

"Khi đề xuất các cơ chế đặc thù, các đồng chí gánh được việc gì thì đề xuất Trung cho quyết việc đó, tránh tình trạng phân cấp nhưng không thực hiện được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục trao đổi, góp ý cụ thể hơn, đổi mới hơn vào dự thảo Nghị quyết trình Đại hội XIV của Đảng; giới thiệu với các đoàn khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những mô hình hay để có đánh giá chuẩn mực; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay chứ không phải cứ khó là hỏi Trung ương.

Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, trách nhiệm hơn trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng; tham gia thực chất, tích cực hơn nữa trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của Trung ương bởi thực tế khi xây dựng các nghị định, nhiều địa phương còn góp ý sơ sài.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về tuân thủ đồng bộ các quy hoạch, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế xử lý khi có xung đột trong các quy hoạch để làm sao quy hoạch thực sự là định hướng chứ không là rào cản cho quá trình phát triển.

Đối với việc kiểm kê rừng, Phó Thủ tướng cho biết Tây Nguyên sẽ là vùng kiểm kê trước bằng việc ứng dụng công nghệ để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, không ai can thiệp được vào kết quả kiểm kê, tạo cơ sở cho việc tính toán bố trí đất đai cho đồng bào dân tộc.

Về quản lý và bảo vệ rừng, qua các chuyến khảo sát tại các địa phương, Phó Thủ tướng đồng tình với sự cần thiết phải đánh giá, điều chỉnh lại nhân lực quản lý bảo vệ rừng và mô hình quản lý rừng cho hiệu quả, phòng, chống nguy cơ phá rừng, cháy rừng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị nhân sự thật tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp, trong đó đặc biệt lưu ý cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-co-che-chinh-sach-nguon-luc-tao-da-cho-kinh-te-tay-nguyen-phat-trien-but-pha-336485.html