Ưu tiên công trình nước sạch cho vùng khó
Nước sạch sinh hoạt là 1 trong 6 dịch vụ xã hội đang bị thiếu hụt tại nhiều vùng khó khăn. Giải quyết tình trạng này, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đang ưu tiên xây dựng các công trình cấp nước tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trước đây khi chưa có công trình nước sạch, gia đình bà Nông Thị Mai, thôn 7, xã Tân Tiến (Yên Sơn) sử dụng nước giếng đào. Theo bà Mai, nước giếng đào phập phù, mùa mưa nguồn nước đủ để sử dụng, còn từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm mực nước hạ thấp nên rất khó khăn. Từ khi có công trình nước sạch của xã, bà Mai yên tâm hẳn, chất lượng nước tốt hơn, nước trong, không mùi, không đóng cặn, đảm bảo sức khỏe hơn.
Cán bộ Ban Quản lý công trình cấp nước tỉnh kiểm tra, nghiệm thu công trình cấp nước tập
trung vừa được xây dựng tại xã Nhữ Hán (Yên Sơn).
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Tiến (Yên Sơn) được xây dựng, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Công trình đang được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang quản lý, vận hành, khai thác, cấp nước sạch sinh hoạt cho 3 thôn, với hơn 400 hộ dân, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn xã. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Tiến, công trình nước sạch có ý nghĩa quan trọng cho xã đạt tiêu chí trên 80% người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Nhờ có công trình, chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân được đảm bảo. Ngoài ra, công trình nước sạch đi vào hoạt động đã giúp xã hoàn thành tiêu chí về môi trường, đóng góp vào kết quả về đích nông thôn mới của xã trong năm 2022 vừa qua.
Công trình nước sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên), được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2003. Qua quá trình vận hành, khai thác, công trình đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong xã. Năm 2021, từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn, công trình được nâng cấp, mở rộng với công suất khai thác cung cấp 200 m3/ngày, đêm. Anh Đỗ Duy Hải, thôn 4 Thái Bình, xã Thái Sơn chia sẻ, thời điểm trước công trình xuống cấp không đủ cấp nước, anh và một số hộ trong thôn phải sử dụng nước giếng hoặc dẫn nước trực tiếp từ suối về chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về đường ruột, da liễu... Rất may công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được nâng cấp, mở rộng quy mô cấp nước người dân rất phấn khởi. Theo báo cáo của Ban Quản lý công trình cấp nước xã Thái Sơn, hiện có trên 200 hộ dân trong xã đang sử dụng nước sạch. Ngoài ra, đơn vị sẽ lắp đặt đường ống chờ để sẵn sàng đấu nối khi có thêm hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trong 3 năm trở lại đây, đơn vị đã xây dựng, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn ở những vùng khó khăn, với tổng vốn đầu tư các công trình là trên 187,3 tỷ đồng (gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh). Các công trình được xây dựng đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, giải quyết tốt tình trạng thiếu hụt dịch vụ xã hội ở vùng nông thôn. Hiện đã có hơn 13.000 hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng gần 1.000 so với năm 2022. Từ nay đến 2025, tỉnh tiếp tục rà soát, ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng quy mô các công trình cấp nước tập trung tại các vùng nông thôn, nâng cao hơn nữa tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Ông Trần Trung Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Trưởng Ban Quản lý khai thác các công trình nước sạch nông thôn tỉnh cho biết, để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng phương án bàn giao tài sản công trình cấp nước theo đúng quy định; rà soát xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác cho các cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên nắm bắt hiện trạng hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; tiếp nhận và phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, UBND xã và các đơn vị liên quan để tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được giao theo quy định…