Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non vùng đông dân

Chính sách ưu tiên phát triển trường mầm non, nhóm trẻ trong khu vực đông dân cư của Bắc Giang đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều con em của người lao động trong và ngoài tỉnh có nơi học tập, trông giữ an toàn.

Đầu tư xây mới trường, lớp

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh về công nghiệp dẫn đến dân số cơ học tăng nhanh. Theo đó, số lượng học sinh, nhất là bậc mầm non liên tục tăng ở địa bàn xung quanh khu công nghiệp (KCN), đô thị.

 Cô và trò cơ sở mầm non độc lập tư thục An Khánh (thị trấn Bích Động, Việt Yên) trong giờ học.

Cô và trò cơ sở mầm non độc lập tư thục An Khánh (thị trấn Bích Động, Việt Yên) trong giờ học.

Để người lao động yên tâm làm việc, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết số 29) ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo phát triển mạng lưới trường, lớp học, đặc biệt thu hút nguồn lực xây mới, mở rộng các trường mầm non xung quanh khu công nghiệp, đô thị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Là huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, mỗi năm, huyện Việt Yên thu hút khoảng 120 nghìn người lao động trong và ngoài tỉnh đến ở trọ. Phần lớn lao động trẻ ngoại tỉnh đến làm việc tại các KCN đều có con nhỏ trong độ tuổi mầm non, khiến nhu cầu gửi trẻ tăng cao. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Việt Yên cho biết: “Nhiều năm qua, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và đảng bộ các xã, thị trấn ưu tiên tối đa nguồn lực cho hoạt động giáo dục mầm non. Trong đó nhất quán chủ trương đầu tư trọng điểm cho từng trường theo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh”.

Năm học này, huyện Việt Yên có gần 14 nghìn trẻ mầm non. Từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện bố trí mở rộng hơn 155 nghìn m2 đất tạo không gian, cảnh quan cho các trường có khuôn viên chật hẹp; xây mới và sửa chữa 1.248 phòng học, với tổng kinh phí hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Huyện vừa đưa thêm 2 trường mầm non tư thục Hạnh Phúc ở xã Việt Tiến và Bảo Ngọc tại xã Tăng Tiến vào hoạt động với quy mô từ 10 - 15 nhóm lớp.

Các xã xung quanh KCN cũng tập trung nguồn lực mở rộng, nâng cấp hệ thống giáo dục mầm non. Năm học vừa qua, UBND xã Quang Châu đầu tư xây thêm 8 phòng học mới cho Trường Mầm non Quang Châu đáp ứng nhu cầu học tập của gần 600 học sinh. Trường Mầm non Quảng Minh (xã Quảng Minh) trước đây vốn chật chội nay được xây dựng ra khu đất mới rộng rãi, khang trang. Mới đây, Đảng ủy xã Hồng Thái họp bàn thống nhất chủ trương sẽ xây trường mầm non tại thôn Như Thiết với diện tích gần 12 nghìn m2.

Gần đây, nhiều khu đô thị mới được hình thành tại huyện Lạng Giang dẫn đến số học sinh trên địa bàn các xã xung quanh thị trấn Vôi tăng nhanh. 5 năm qua, mỗi năm học trên địa bàn huyện tăng khoảng 15 lớp. BTV Huyện ủy Lạng Giang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng thêm trường, lớp học tại địa bàn có đông dân cư.

 Trường Mầm non Tân Hưng (Lạng Giang) mới được đầu tư nâng cấp.

Trường Mầm non Tân Hưng (Lạng Giang) mới được đầu tư nâng cấp.

Đồng chí Phạm Thị Lưu Miên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hưng cho biết: “Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã yêu cầu các thôn thường xuyên nắm bắt, báo cáo số trẻ em từ 0-5 tuổi, nhất là các cháu chuyển đến, chuyển đi để có kế hoạch nâng cấp, bổ sung hạ tầng cơ sở giáo dục. Năm 2023, địa phương đầu tư xây mới dãy nhà 2 tầng hiện đại cho Trường Mầm non Tân Hưng”.

Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em người lao động trong bối cảnh gia tăng dân số cơ học, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy yêu cầu UBND cùng cấp chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập và các nhóm trẻ tư thục. Được thụ hưởng các chính sách ưu tiên liên quan đến thuê đất, giải phóng mặt bằng, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục được đầu tư xây dựng khang trang.

Đáp ứng yêu cầu dạy và học

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các trường quanh KCN, khu vực đông dân cư đã quan tâm cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em. Phòng GD&ĐT các huyện, TP thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, hỗ trợ tham gia kiểm định chất lượng. Bởi vậy, số học sinh mầm non ở các trường này bị suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân và thấp còi chỉ từ 0,65-1,62%; học sinh thừa cân, béo phì chiếm 0,6%.

Đến nay, toàn tỉnh có 366 cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, đô thị (108 cơ sở công lập và 258 cơ sở ngoài công lập) với khoảng 68 nghìn học sinh, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học bậc mầm non trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, hằng năm số trẻ mầm non ở các KCN, đô thị tiếp tục gia tăng. Trong khi khu vực này còn một số phòng học chưa kiên cố, công trình vệ sinh, bếp ăn chưa đạt chuẩn. Ngành giáo dục thiếu giáo viên mầm non, riêng KCN thiếu trầm trọng. Nhiều cơ sở giáo dục đối mặt với tình trạng giáo viên nghỉ việc đi làm công nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Để giải quyết tình trạng này, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể con của công nhân lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hỗ trợ 160 nghìn đồng/trẻ/tháng. Giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm lớp, lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân lao động trong khu, cụm công nghiệp được hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đưa ra định hướng: Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo một cách cơ bản từ cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, bảo đảm cho trẻ em có đầy đủ điều kiện cơ bản được học tập và phát triển. Dự báo đến năm 2025, trên địa bàn các KCN, đô thị của tỉnh có khoảng 80 nghìn trẻ (tăng hơn 12 nghìn trẻ so với năm 2023).

Để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc trẻ, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, TP thường xuyên rà soát mạng lưới trường lớp, dự báo mức gia tăng quy mô học sinh trong những năm tiếp theo để có kế hoạch đầu tư phù hợp. Chủ trương của tỉnh là trường nào chưa bảo đảm diện tích sẽ mở rộng hoặc chuyển địa điểm, đầu tư theo hướng trọng điểm để xây dựng trường hiện đại, chuẩn hóa.

Cùng đó, mở rộng cơ chế ưu đãi đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân triển khai dự án phát triển giáo dục ngoài công lập; quan tâm bổ sung nhân lực và hỗ trợ để đội ngũ giáo viên tại các xã, thị trấn có KCN, đô thị mới gắn bó với nghề, yên tâm công tác. Khuyến khích xã, phường, thị trấn mở các nhóm trẻ độc lập theo quy định ở các khu dân cư; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động tại các nhóm, lớp để trẻ em được chăm sóc, phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/uu-tien-dau-tu-cho-giao-duc-mam-non-vung-dong-dan.bbg