Ưu tiên hàng đầu cho các dự án hạ tầng điện!

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cuộc họp về các dự án điện trọng điểm quốc gia diễn ra sáng nay (17/7).

47 dự án chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết, năm 2020 về cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng việc cung ứng điện tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như: nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện...

Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo phương án cơ sở trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm), mỗi năm công suất nguồn điện cần bổ sung tối thiểu 4.500-5.000 MW nguồn nhiệt điện hoặc từ 14.000-16.000 MW nếu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (do hệ số công suất sử dụng các nguồn NLTT thấp, chỉ từ 1.500-2.000h/năm). “Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than, nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu). Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng ~5% nhu cầu), các năm 2024-2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi Xanh”- ông Phương Hoàng Kim chỉ ra.

Ông Phương Hoàng Kim thông tin thêm, hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: Các dự án do các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án đầu tư theo hình thức IPP. Cụ thể, tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đơn cử như giai đoạn 2016-2030, EVN được giao đầu tư 24 dự án (bao gồm cả dự án thủy điện tích năng Bác Ái) với tổng công suất là 15.215 MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 hoàn thành 14 dự án với tổng công suất 7.185 MW. Trong tổng số 24 dự án, 9 dự án đã phát điện, 6 dự án dự kiến đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.

Ông Phương Hoàng Kim- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) báo cáo tại cuộc họp

Ông Phương Hoàng Kim- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) báo cáo tại cuộc họp

Đáng chú ý, PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đề cập đến nguyên nhân thiếu điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng là do các dự án nguồn không được triển khai đúng tiến độ. Trong 62 dự án điện được thực hiện, đến nay chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn 47 dự án chậm, có những dự án chậm tiến độ 3-4 năm. “Nếu không có biện pháp khắc phục thì đây sẽ là khó khăn lớn thời gian tới. Trong số 47 dự án chậm tiến độ, có nhiều dự án chậm tiến độ rất lâu”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng bày tỏ, đặc điểm các dự án năng lượng là đều có quy mô lớn, hầu hết các dự án nhiệt điện đều có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, thời gian thi công tương đối dài với cả nghìn hạng mục phức tạp, do vậy chủ đầu tư không tìm được nhà thầu có năng lực thì rất dễ xảy ra việc kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách trong bảo lãnh các dự án, ngay cả đối với một tập đoàn có tài chính mạnh như PVN mà không có bảo lãnh của Chính phủ cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề về vốn. “Trước kia khi có bảo lãnh của Chính phủ chỉ một năm là thu xếp được vốn, giờ không có nữa thì chắc chắn sẽ lâu hơn” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.

Cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu giải pháp, cần đẩy nhanh thực hiện dự án năng lượng tái tạo bởi thời gian thực hiện những dự án này nhanh hơn nhiệt điện.

Về trung hạn, Thứ trưởng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, một tháng phải họp báo cáo một lần, 3 tháng lập đoàn kiểm tra tới các công trình 1 lần. “Các dự án nào có vướng mắc đơn giản, có thể xử lý được sớm thì cần đẩy nhanh tiến độ hơn. Về dài hạn, cần phải thay đổi cách làm Tổng sơ đồ VIII”- Thứ trưởng lưu ý.

Liên quan các bất cập từ chính sách khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Đừng cứ bám vào những cái đã có rồi không làm, không làm thì sao phát triển được. Có những cái hôm qua đúng nhưng hôm nay đã khác. Cần phải xem vướng đâu để báo cáo Chính phủ…

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, nguy cơ cao là thiếu điện, dẫn chứng như việc xử lý với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đã có nhiều cuộc họp, liên tiếp ba tháng trời chỉ công văn đi công văn lại, mỗi quy trình phát đi và đợi trả lời mất gần 1 tháng, thậm chí vẫn chưa có ý kiến. Với những nguyên nhân nêu trên, các đơn vị phải chủ động rà soát, thực hiện báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm gỡ những vướng mắc khó khăn trong các dự án năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp

Bộ trưởng cho rằng, đến lúc này cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt. Việc đầu tiên là phải đồng nhất trong sự chỉ đạo bởi điện, dầu khí là các vấn đề hạ tầng quan trọng, thiết yếu. "Các hạ tầng khác cũng quan trọng nhưng nếu một ngày thiếu điện, một giờ thiếu điện sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn, cần phải ưu tiên hàng đầu”- Bộ trưởng quyết liệt.

Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, xử lý các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ. “Làm rõ vướng ở đâu? Chậm ở đâu? Xem xét đến trách nhiệm từng đơn vị trong việc không thực hiện đúng chỉ đạo đối với tiến độ các dự án trọng điểm gây lãng phí, thất thoát”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng gợi mở, riêng với dự án án chậm tiến độ, dự án trọng điểm, chúng ta cần có tổ công tác của Bộ trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung giải quyết vướng mắc và cần có cơ chế giải quyết. “Theo đó Tổ công tác phải có kế hoạch làm việc cụ thể với Bộ Công Thương và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nếu chậm trễ, có vướng mắc phải báo cáo kịp thời. Lãnh đạo Bộ phải có chương trình làm việc hàng tháng để rà soát và thống nhất giải pháp thực hiện liên quan tới dự án chậm tiến độ, như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”- Bộ trưởng chỉ ra.

Liên quan tới Tổng sơ đồ VIII, phải làm sao đảm bảo và cập nhật kịp thời diễn biến phát triển, quy định pháp lý về hoạt động thu hút đầu tư và phát triển ngành điện trong thời gian tới. Phải có giải pháp và vấn đề mang tính dài hạn, thực hiện yêu cầu Chính phủ trong việc đảm bảo hạ tầng năng lượng. Cục diện thay đổi rất nhanh, đặt ra yêu cầu mới, như yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hiệu quả đầu tư… “Phải có sự chuyển mình nhưng chúng ta đang vẫn bị động, như điện mặt trời trong giải tỏa công suất, yêu cầu đấu nối và hợp đồng, vấn đề đôn đốc kiểm tra đảm bảo thực thi dự án nguồn điện vẫn không tới, nên bị vượt so với năng lực truyền tải dẫn đến quá tải lưới điện hiện có, tình trạng này đã nhìn thấy trước”- Bộ trưởng lý giải.

Bộ trưởng cũng giao cho Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An xây dựng kế hoạch công tác, kiểm tra thường xuyên các dự án chậm tiến độ, tiếp tục xử lý bất cập trong liên quan đến hạ tầng, năng lượng. Bên cạnh đó, xem xét cơ chế hạ tầng năng lượng tại các địa phương, những bất cập phải xử lý kịp thời trong thời gian tới.

Lan Anh- Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-hang-dau-cho-cac-du-an-ha-tang-dien-122536.html