Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Những năm qua, thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.

Giao thông Tỉnh lộ 108 thuận lợi, góp phần thúc đẩy KT-XH

Giao thông Tỉnh lộ 108 thuận lợi, góp phần thúc đẩy KT-XH

của 6 xã vùng cao Thuận Châu ngày càng phát triển.

Đến với 6 xã vùng cao Thuận Châu hôm nay, cảm nhận được sự thay đổi của các bản làng với cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, nhiều loại hình dịch vụ phát triển nhanh ở khu vực trung tâm xã. Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thuận Châu, chia sẻ: Điều kiện cơ sở hạ tầng 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu đã có nhiều khởi sắc, hiện đường giao thông đến các xã được nhựa hóa, đi lại thuận tiện được bốn mùa; đường nội bản các xã đổ bê tông đạt 40 - 50%; trong nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đường từ xã đến bản được đổ bê tông đạt khoảng 60%...

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tỉnh đã tập trung, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 11.339 tỷ đồng, tập trung vào một số nhóm chương trình, chính sách cơ bản. Trong đó: Chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đang thực hiện tại địa phương (10.795 tỷ đồng) đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; 30a; 135) và chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính sách do địa phương ban hành đã ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao đời sống, sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (khoảng 319 tỷ đồng), gồm: Kinh phí thực hiện Chương trình làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 115/NQ-HĐND tỉnh (237 tỷ đồng); kinh phí hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (82 tỷ đồng).

Điểm nổi bật trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện đồng bộ với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác trên địa bàn, tạo nguồn lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai 33 dự án với 52 điểm bố trí dân cư, thực hiện bố trí dân cư cho 2.716 hộ. Huy động được các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 792 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng 8.468 công trình gồm 328 công trình cấp nước tập trung và 8.140 công trình cấp nước nhỏ lẻ phân tán...

Các xã vùng III, xã biên giới trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị giúp đỡ theo Quyết định phân công của UBND tỉnh; các đơn vị thường xuyên quan tâm hướng dẫn xã trong việc triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện; phối hợp tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước của bản; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Từ năm 2017 - 2020, các ngành đã huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các xã khu vực III tổng số tiền mặt và hiện vật được hơn 22 tỷ đồng, góp phần tích cực giúp các xã giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Đồng chí Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Do đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn miền núi, địa hình chia cắt, kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế chưa đồng bộ; là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, dẫn tới phát triển KT-XH khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, khó khăn. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh một số nội dung trọng tâm trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số. Đề nghị tỉnh quan tâm ưu tiên dành nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Để thực hiện tốt việc đầu tư hạ tầng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ. Các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, đề xuất cho tỉnh ban hành các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhằm tăng cường sự phát triển bền vững các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/uu-tien-nguon-luc-dau-tu-ha-tang-vung-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-40426