Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam
Nghị quyết của Quốc hội đề nghị Chính phủ, trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Đồng thời, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam.
Sáng 29/11, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, với 474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 95,95%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Trong đó, với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Nghị quyết đề nghị quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam. Trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035. Tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thể dục, thể thao quần chúng gắn với các phong trào thi đua ở cơ sở; chú trọng phát triển, nâng cao vị thế thể thao thành tích cao của Việt Nam trong khu vực ASEAN và châu Á.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, cần quan tâm, khẩn trương xây dựng cơ chế huy động hợp tác công tư, bố trí nguồn lực cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Nâng cao chất lượng thẩm định các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, cấp phép biểu diễn, tổ chức sự kiện. Rà soát, sửa đổi, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch; thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, các nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tăng cường công tác quản lý điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng chi tiêu của du khách nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đặc biệt coi đầu tư cho giáo dục - đào tạo và văn hóa xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, về tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, sức cạnh tranh còn hạn chế. Vì vậy, Đảng đã chỉ đạo cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ Nghị quyết này, Chính phủ có Nghị quyết 54 và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này vào tháng 4/2022. Trong Nghị quyết nêu rất cụ thể 14 mục tiêu và 102 nhiệm vụ.
Theo đó, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 31, văn hóa đã được quan tâm, với khoản chi gần 2.000 tỷ để tu bổ các di tích văn hóa lịch sử cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nguồn lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu, còn dàn trải, trong thực hiện còn phân bổ trong nhiều năm và sử dụng không hết dự toán.
“Căn cứ vào quy định của pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ sẽ đặc biệt kiên trì coi đầu tư cho giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn thì đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực của xã hội. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực. Đặc biệt, gần đây đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khai nói.