Ưu tiên phát triển ngành điện tử, dệt may, da giày… ở trung du và miền núi phía Bắc
Theo ông Bùi Huy Sơn- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương), nên ưu tiên phát triển các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao như: điện tử, dệt may, da giày, nông sản… ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Ngày 12-4, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc…
Vì vậy, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã góp phần tạo nên thành công của bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các địa phương trong vùng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiềm năng chưa biến thành động năng, tiềm lực, nguồn lực.
Hiện phần lớn các doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Công tác phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên.
Giá trị xuất khẩu còn thấp, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc. Do đó, cần có các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong vùng.
Theo ông Bùi Huy Sơn, một trong những giải pháp thúc đẩy tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc trong thời gian tới là tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao như: điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ... gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu;
Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường…
Đồng thời, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy chuyển nhanh và mạnh sang thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại…
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông cho vùng này.
Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn;
Triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản) của Việt Nam tới các đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc cần tăng cường công tác theo dõi tình hình tại các cửa khẩu, kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là hoa quả, nông sản để chủ động, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện.