Ưu tiên quỹ đất thuận lợi cho nhà ở xã hội
Tại Tọa đàm 'Gỡ vướng phát triển nhà xã hội' do báo Tiền Phong tổ chức sáng 17.4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị, các địa phương cần quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội rõ ràng; ưu tiên dành quỹ đất ở vị trí thuận lợi, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để xây dựng...
Doanh nghiệp vẫn khó khăn
Tập đoàn Hòa Bình từng nằm trong nhóm các doanh nghiệp lớn mạnh đầu ngành xây dựng. Tuy nhiên, hiện, doanh nghiệp này đã “trở thành nợ xấu vì không có công ăn, việc làm”, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình xác nhận.
Lý giải nguyên nhân, ông Đường cho biết, do không thể triển khai dự án nhà ở xã hội. Doanh nghiệp có hai khu đất ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ban đầu, mục đích của hai khu đất để làm nhà ở thương mại, thế nhưng tháng 11.2021, khi TP. Hà Nội kêu gọi khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội, doanh nghiệp đã chuyển hướng theo.
Tuy vậy, qua nhiều lần lấy ý kiến các sở, ngành, chỉ có một khu đất đã được cấp chủ trương làm nhà ở xã hội, song đến nay thủ tục vẫn chưa xong; còn một khu đất vẫn chưa được cấp chủ trương đầu tư sau hơn hai năm. Chính điều này khiến doanh nghiệp vừa trong vai chủ đầu tư, vừa trong vai chủ xây dựng rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Trần Mạnh Trung, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhà ở xã hội Hạ Đình UDIC Ecotower 214 Nguyễn Xiển, Hà Nội cho biết thêm, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2020, sau đó điều chỉnh sang năm 2022 vì tăng diện tích sàn cũng như tăng quy mô số căn hộ, từ 12 tầng lên 25 tầng. Theo đúng kế hoạch, dự án này sẽ hết thời hạn về chủ trương đầu tư vào quý IV tới, hiện doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng và sẽ khởi công vào thời gian này.
Sở dĩ dự án chậm thi công phần lớn do quỹ đất sử dụng 100% vốn nhà nước, các thủ tục về đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy định nên thời gian bị kéo dài. Chẳng hạn, xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, giai đoạn thiết kế… theo quy định có 10 ngày nhưng thực tế làm mất khoảng 143 ngày bởi hai lần bị góp ý về những quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy, ông Trung chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn các sở, ngành của thành phố tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện nhanh dự án.
Mong được thế chấp chính dự án nhà ở xã hội
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhờ những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cả nước đang triển khai 499 dự án nhà ở xã hội với quy mô 411.000 căn hộ. Kết quả này cho thấy hiệu quả bước đầu của sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn nhất định trong tiếp cận quỹ đất, nguồn vốn; thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chọn chủ đầu tư, phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp…
Ông Sinh xác nhận, sau tọa đàm, Bộ Xây dựng sẽ có cuộc làm việc với TP. Hà Nội để sớm xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Bộ cũng đã trao đổi với các địa phương để thực hiện một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, trước hết, các địa phương cần quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội rõ ràng; ưu tiên dành quỹ đất ở vị trí thuận lợi, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đầu tư; tránh dành quỹ đất ở khu vực xa, khu vực chưa giải phóng mặt bằng; bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất làm nhà ở cho công nhân.
Về phía các doanh nghiệp, Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án đã, đang và sắp triển khai; thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các doanh nghiệp cũng cần bảo đảm chất lượng dự án nhà ở xã hội cũng như các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, tương đương như nhà ở thương mại; đồng thời bảo đảm mức giá phù hợp với nhu cầu của người dân.
Nhấn mạnh nguồn vốn cho nhà ở xã hội là vấn đề then chốt, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, để bố trí tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội hoặc cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại (VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội. Bởi lẽ, trong giai đoạn 2015 - 2020, do chưa bố trí được nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội nên các chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Đối với gói tín dụng 125.000 tỷ đồng do 5 ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp (vừa được bổ sung 5.000 tỷ đồng của 1 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia), hiện chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không chỉ vì phải chịu lãi suất khá cao 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm, mà còn bởi vì các mức lãi suất này được điều chỉnh mỗi 6 tháng/lần và sau thời hạn ưu đãi lãi suất thì áp dụng lãi suất thỏa thuận, “thả nổi” nên không thu hút người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Do vậy, đại diện hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thêm hai đối tượng được vay gói 125.000 tỷ đồng, bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Hiện, các chủ đầu tư phải thế chấp bằng tài sản khác mới được vay vốn tín dụng để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị cho phép chủ đầu tư được thế chấp bằng chính dự án nhà ở xã hội đó, chí ít là đối với trường hợp chủ đầu tư đã tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; đồng thời xem xét tăng thêm lợi nhuận định mức đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên 15% (thay vì chỉ 10%) đối với trường hợp doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất, tự thương lượng mua lại quyền sử dụng đất của các cá nhân, hộ gia đình để thực hiện dự án nhà ở xã hội.