Ưu tiên tạo vốn phục vụ tái đầu tư
Đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược của Đồng Nai trong 5 năm tới. Để thực hiện được nhiệm vụ này, tỉnh cần nguồn lực đầu tư rất lớn.
Việc quy hoạch quỹ đất lợi thế, bán đấu giá khi thực hiện các dự án giao thông là một trong những “kênh” tạo vốn quan trọng mà Đồng Nai sẽ thực hiện để có nguồn vốn tái đầu tư.
* Không tách dự án
Đồng Nai là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, “cửa ngõ” dẫn vào đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM. Do đó, hiện nay nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Để khai thác tối đa lợi thế từ các dự án trên, đòi hỏi Đồng Nai phải đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối một cách đồng bộ. Hiện nay, ngoài các dự án đang triển khai, Đồng Nai cũng đã quy hoạch hàng loạt dự án giao thông kết nối với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, nhiều dự án giao thông phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị cũng sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do đó, tỉnh cần một nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án nói trên.
Ông Phan Trung Hưng Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT cho biết, hàng loạt công trình hạ tầng sẽ được triển khai thực hiện thời gian tới trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn lực chủ yếu đều đến từ việc đấu giá đất. Trong đó, việc quy hoạch quỹ đất lợi thế, thực hiện bán đấu giá khi triển khai các dự án giao thông là rất quan trọng. Nếu thực hiện việc tách dự án quy hoạch quỹ đất lợi thế ra khỏi các dự án giao thông thì hiệu quả khai thác quỹ đất là không cao. Từ đó, việc tạo nguồn vốn tái đầu tư cũng giảm hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cũng cho rằng, việc tạo vốn phục vụ tái đầu tư là mục tiêu mà tỉnh hướng đến. Do đó, việc tách dự án quy hoạch quỹ đất tạo vốn ra khỏi các dự án hạ tầng giao thông dù có thể đẩy nhanh tiến độ nhưng hiệu quả khai thác quỹ đất bị giảm. Do đó, đối với các dự án hạ tầng giao thông kết hợp quy hoạch quỹ đất lợi thế để bán đấu giá phải được thực hiện song song cả 2 khâu. “Chúng ta phải thực hiện song song chứ không thực hiện tách dự án giao thông, dự án quy hoạch quỹ đất lợi thế ra riêng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
* Xây dựng cơ chế phối hợp
Trên thực tế, khi có một dự án hạ tầng giao thông được triển khai, giá trị đất xung quanh vùng dự án cũng ngay lập tức tăng cao. Bởi, khi có các công trình, dự án, tiềm năng để phát triển của khu vực đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, lâu nay là phần “chênh lệch” tăng thêm của giá trị đất khi có các công trình, dự án thường “rơi” vào một số ít người có đất tại khu vực có dự án triển khai. Trong khi đó, Nhà nước thực hiện đầu tư các công trình, dự án từ nguồn vốn ngân sách, cũng chính là nguồn tiền thuế của người dân lại không thu được lợi ích từ khoản chênh lệch này để tái đầu tư cho các công trình, dự án khác phục vụ cho số đông người dân.
Chính vì vậy, việc quy hoạch, khai thác quỹ đất tạo vốn, quỹ đất lợi thế cũng sẽ giúp đạt được mục tiêu cân bằng lợi ích từ phần giá trị tăng thêm của quỹ đất đến số đông cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch, khai thác quỹ đất tạo vốn, quỹ đất lợi thế cũng giúp cho quá trình phát triển đô thị khi triển khai các công trình, dự án được thực hiện đúng định hướng, bài bản hơn. Các nhà đầu tư vì vậy cũng sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư nhiều hơn ở các khu vực lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, việc thực hiện quy hoạch quỹ đất lợi thế khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cũng đã được Nhà nước cho phép triển khai để phục vụ mục tiêu tạo nguồn vốn tái đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để vừa đẩy nhanh tiến độ dự án, vừa quy hoạch được quỹ đất đấu giá tạo vốn cần có một cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng và các địa phương. Cụ thể, cơ chế đó phải xác định được nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan chức năng như Sở GT-VT, Sở KH-ĐT và các địa phương trong việc thực hiện dự án giao thông và quy hoạch quỹ đất tạo vốn hai bên các tuyến đường. “Sở GT-VT cần đề xuất UBND tỉnh xây dựng một cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, quy định rõ các sở, ngành liên quan làm những nhiệm vụ gì, các địa phương làm nhiệm vụ gì? Thời gian thực hiện các công việc là trong bao lâu?” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị.