Ưu tiên vốn cho hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực biên giới

Hạ tầng giao thông được xác định là yếu tố quan trọng, giúp thuận lợi thông thương, đồng thời phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của các tỉnh có đường biên giới phát triển không đồng đều và chưa đáp ứng nhu cầu.

Tại Hội nghị về phát triển kinh tế xã hội các khu vực biên giới do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, về cơ bản các tuyến đường kết nối với cửa khẩu quốc tế đạt tiêu chuẩn cấp III và cấp IV miền núi, đảm bảo các phương tiện vận tải hoạt động, thông quan tốt. Riêng khu vực Trung du miền núi Bắc bộ, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, đã hoàn thành tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội – Bắc Giang… Ngoài ra, các tuyến đường bộ kết nối trục hành lang kinh tế Đông- Tây, kết nối với Lào đã được đầu tư nâng cấp triển khai vận hành thời điểm hiện tại đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc đầu tư hạ tầng giao thông chưa đáp ứng theo nhu cầu của các địa phương. Nguyên nhân này cũng đã được Bộ Công Thương đề cập khi đưa ra nhận định, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế, 23/25 tỉnh vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách trung ương và mới chỉ có 2 tỉnh (Quảng Ninh, Quảng Nam) tự chủ ngân sách. Do đó, nguồn vốn đầu tư phát triển cho các hạ tầng quan trọng ở khu vực biên giới, như hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại biên giới… còn rất hạn chế.

Ưu tiên vốn cho hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông tại khu vực biên giới

Ưu tiên vốn cho hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông tại khu vực biên giới

Cũng theo Bộ Công Thương, kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, thiếu hệ thống đường cao tốc liên vùng kết nối tỉnh biên giới với trung tâm các vùng; đường giao thông nối cửa khẩu biên giới với nội tỉnh vừa thiếu, vừa xuống cấp, đặc biệt ở các tỉnh như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum. Khu vực biên giới hầu hết đều nằm ở địa bàn núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Đường giao thông vận tải nhiều nơi chật hẹp, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa nhưng lại chưa được sửa chữa, khắc phục hoặc mở rộng kịp thời, thi công kéo dài; vào mùa mưa thường xuyên trơn trượt, gây tai nạn đổ xe vận tải hàng hóa, ùn tắc giao thông làm cản trở hoạt động thương mại biên giới (đặc biệt đối với khu vực biên giới phía Bắc và khu vực biên giới giáp với Lào).

Theo các chuyên gia, hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển là một trở lực lớn đối với sự phát triển. Trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực biên giới, cần quan tâm đến đường giao thông, hạ tầng thương mại biên giới, hạ tầng điện – viễn thông liên lạc. Riêng về đường giao thông, các chuyên gia cho rằng, cần ưu tiên bố trí vốn để sớm xây dựng các dự án đường bộ nối khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới với trung tâm vùng, với các cảng biển; nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông nối các xã biên giới, cửa khẩu biên giới, các khu kinh tế cửa khẩu với nội tỉnh.

Cùng chung quan điểm, Bộ Công Thương cũng đưa ra giải pháp, ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ.

Được biết, với vai trò quản lý ngành, Bộ GTVT đã và đang nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, nhất là các tỉnh khu vực biên giới hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đại diện Bộ GTVT, một số dự án hạ tầng giao thông cần được xây dựng và hoàn thiện sớm theo đề xuất của các địa phương đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Một số dự án chưa khẩn cấp, chưa được ưu tiên trong giai đoạn này thì đưa vào quy hoạch chuyên ngành quốc gia. Hiện Bộ GTVT đã hoàn thiện 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ. Trong đó, tất cả các kiến nghị của các địa phương về dự án hạ tầng giao thông đã được đưa vào các quy hoạch.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-von-cho-hoan-thien-ha-tang-giao-thong-khu-vuc-bien-gioi-162526.html