Ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp và kinh tế hộ
Đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế hộ không chỉ tăng trưởng tín dụng bền vững mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Xác định được vấn đề này, trong nhiều năm qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã mở rộng nguồn vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn vay. Thông qua nguồn vốn tín dụng nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế hộ.
Đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế hộ không chỉ tăng trưởng tín dụng bền vững mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Xác định được vấn đề này, trong nhiều năm qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã mở rộng nguồn vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn vay. Thông qua nguồn vốn tín dụng nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế hộ.
Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung do Huyện ủy, UBND huyện Bình Lục chỉ đạo, ông Lại Văn Soàn đã thuê khoảng 2 ha đất ở xã Đồn Xá (Bình Lục) xây dựng trang trại chuyên nuôi bò thịt và bò giống. Quy mô trang trại thường xuyên có gần 500 con bò 3B được nuôi gối sóng, theo quy trình khép kín, bò giống mua về ở riêng một khu, sau đó được tiêm phòng đầy đủ, khỏe mạnh, có xác nhận của cơ quan thú y mới đưa vào nuôi vỗ béo. Bò thịt khi xuất chuồng con to trọng lượng lên tới cả tấn, con nhỏ cũng 700 -800 kg. Trung bình mỗi năm trang trại của ông xuất bán hàng nghìn con bò thịt, thu lời 2-3 tỷ đồng.
Ông Soàn chia sẻ: Thời gian đầu gia đình mở rộng trang trại cũng gặp nhiều khó khăn phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng. Nguồn vốn vay được đầu tư mua bò từ các vùng lân cận, sau đó phòng trừ dịch bệnh rồi mới xuất bán con giống ra thị trường, hoặc để nuôi vỗ béo. Đối với nguồn thức ăn chăn nuôi bò, ông thuê hàng chục ha đất ở tỉnh Thanh Hóa để tự trồng cỏ, mua thêm lương thực sau đó về pha chế sẽ giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi và đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.
Cũng như gia đình ông Soàn, nhiều hộ gia đình ở huyện Bình Lục trong thời gian vừa qua đã đầu tư vốn vào lĩnh vực chăn nuôi nhanh chóng phát huy hiệu quả. Nắm bắt được cơ hội này, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bình Lục đã tập trung giải ngân vốn đầu tư cho kinh tế hộ vay. Đến nay, dư nợ của chi nhánh đạt hơn 1.850 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư cho kinh tế hộ chiếm hơn 90%.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, Agribank Bình Lục đã mở rộng dịch vụ cho vay theo hạn mức tín dụng, trong đó khách hàng chỉ cần làm hợp đồng vay một gói tín dụng với giá trị cụ thể, sau đó có thể rút vốn vay theo từng thời điểm đầu tư, bảo đảm không vượt quá hạn mức vay quy định. Với cách làm này đã giảm bớt thủ tục hành chính cho khách hàng và tạo điều kiện cho người vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân hàng. Nhiều khách hàng ở Bình Lục vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất kinh doanh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Phạm Xuân Hiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Bình Lục cho biết: Nhóm khách hàng là hộ sản xuất nông nghiệp, khách hàng ở nông thôn trong thời gian này họ cũng tính toán cân nhắc kỹ khi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hầu hết khách hàng đều lo lắng khi giá nông sản xuống thấp, trong khi đó đầu vào của sản xuất vẫn cao, nếu phải gánh thêm cả lãi suất ngân hàng nữa thì sản xuất, chăn nuôi sẽ khó khăn và đầu năm nhiều hộ gia đình mới dừng lại ở đăng ký vay vốn. Đối với một số hộ chăn nuôi, khi dịch tả châu Phi đã từng bước được ngăn chặn, bà con đang có nhu cầu khôi phục lại trang trại, Chi nhánh Agribank Bình Lục sẽ dành một phần vốn giải ngân cho bà con từng bước khôi phục lại đàn lợn, gia cầm, mở rộng sản xuất kinh doanh, buôn bán lợn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đến hết tháng 1/2023, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ đạt 27.778 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển), tăng 12,1% so với đầu năm, với 102.070 khách hàng còn dư nợ. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.326 tỷ đồng, tăng 6,61% so với đầu năm, với 25.150 khách hàng còn dư nợ.
Đối với kết quả cho vay một số mô hình, đề án sản xuất nông nghiệp, đến hết tháng 1/2023, cho vay phát triển chăn nuôi bò sữa, dư nợ đạt 34 tỷ đồng, giảm 2,39% so với đầu năm, với 79 khách hàng còn dư nợ. Thực hiện mô hình liên kết 4 nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi, dư nợ cho vay đạt 99 tỷ đồng, tăng 6,76% so với đầu năm, với 622 khách hàng còn dư nợ.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho kinh tế hộ vay... phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra và góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.