Ủy ban Chứng khoán nêu lý do thị trường giảm mạnh gần đây
Theo UBCK, thị trường chứng khoán Việt biến động mạnh thời gian qua xuất phát từ cả yếu tố trong nước và quốc tế, đồng thời có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường thế giới.
Thị trường chứng khoán trong nước đã kết thúc tuần giao dịch thứ hai của tháng 11 với phiên tăng hơn 7 điểm ngày 11/11 vừa qua. Tuy nhiên, đà tăng này không làm thay đổi xu hướng giảm mạnh của chứng khoán Việt kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã giảm liên tục hơn 37% và trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới giai đoạn này. Hiện tại, chỉ số VN-Index chỉ còn giao dịch quanh mức 954,53 điểm (cuối ngày 11/11), giảm ròng gần 25% so với ba tháng trước.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đo sức mạnh các cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội cũng đã giảm tới gần 60% từ đầu năm, hiện cố định ở mức 189,81 điểm.
Triển vọng quốc tế kém tích cực
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục diễn biến tiêu cực, mỗi phiên ghi nhận hàng trăm cổ phiếu giảm sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng biến động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế.
Cụ thể, sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh hơn. Trong năm nay, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 6 lần tăng lãi suất điều hành, với mức tăng thêm 3,75 điểm %, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 12/2021, lên mức 2,25%/năm; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm nay…
Theo Ủy ban Chứng khoán, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro suy thoái - lạm phát ở một số quốc gia. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và 2023.
Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược zero-covid của Trung Quốc đã làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán thế giới cũng đã biến động mạnh từ đầu năm, tính đến ngày 31/10, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm gần 22%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%; chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,8%; chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,9%; chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 36,5%; chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 18,2%... so với cuối năm 2021.
Nhà đầu tư trong nước thận trọng
Với thị trường trong nước, Ủy ban Chứng khoán cho rằng dòng tiền trên thị trường đã chịu tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại gia tăng đã thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào chứng khoán cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên thị trường, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường
Ủy ban Chứng khoán
Theo cơ quan quản lý chứng khoán, thị trường đã tăng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022, do đó, khi xuất hiện các yếu tố không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.
Vì vậy, theo Ủy ban Chứng khoán, thị trường chứng khoán trong nước biến động mạnh thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường thế giới.
Về phía cơ quan quản lý, để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp như đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, chứng khoán, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan điều tra trong việc xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán như vụ thao túng cổ phiếu FLC, Louis...
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ đẩy mạnh xử lý các tin đồn thất thiệt nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư.