Ủy ban Chứng khoán sẽ 'mạnh tay' với báo cáo tài chính sai phạm
Báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của các công ty đại chúng, theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đang bộc lộ không ít tồn tại, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK.
Qua giám sát việc công bố báo cáo tài chính (BCTC) có kiểm toán của các công ty đại chúng, UBCK nhận thấy đâu là những vấn đề còn hạn chế, tồn tại?
UBCK đặc biệt chú trọng đến việc giám sát tính minh bạch của BCTC kiểm toán của các công ty đại chúng thông qua giám sát các công ty công bố BCTC kiểm toán theo quy định, cũng như giám sát, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của các tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán đối với các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Qua thực tiễn giám sát lập và công bố BCTC kiểm toán của công ty đại chúng cho thấy, phần lớn các công ty đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc công bố BCTC và BCTC được kiểm toán.
Tuy nhiên, một số BCTC kiểm toán được lập và công bố chưa tuân thủ đúng thời hạn quy định (chậm so với quy định); BCTC kiểm toán có sự chênh lệch lớn về số liệu với BCTC trước kiểm toán; BCTC kiểm toán chưa hợp nhất đầy đủ công ty con, chưa thuyết minh đầy đủ giao dịch với bên liên quan; một số công ty chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê tiền mặt tại quỹ, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang; BCTC kiểm toán có ý kiến kiểm toán chưa phù hợp...
Trong quá trình giám sát, khi phát hiện ra các sai phạm của các công ty đại chúng và công ty kiểm toán trong việc lập, kiểm toán và công bố BCTC, UBCK xem xét xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Trong năm 2016, UBCK đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 59 trường hợp là vi phạm của tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, trong đó có công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin BCTC theo quy định; đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán đối với 1 công ty kiểm toán và 16 kiểm toán viên.
Đâu là trách nhiệm của công ty đại chúng và của công ty kiểm toán trong việc để phát sinh các lỗi trên, thưa bà?
Những lỗi về lập và trình bày BCTC trước hết thuộc về trách nhiệm của công ty đại chúng, nếu công ty kiểm toán đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán theo quy định.
Khi phát hiện việc lập và trình bày BCTC của công ty đại chúng chưa tuân thủ quy định (xét trên khía cạnh trọng yếu) thì công ty kiểm toán có ý kiến để công ty đại chúng điều chỉnh BCTC theo quy định. Nếu công ty đại chúng từ chối điều chỉnh thì đơn vị kiểm toán phải nêu trong ý kiến kiểm toán, đồng thời báo cáo UBCK và xem xét đưa ra ý kiến kiểm toán thuộc dạng không phải ý kiến chấp nhận toàn phần phù hợp.
Trường hợp công ty đại chúng không tuân thủ quy định trong việc lập và trình bày BCTC, công ty kiểm toán không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán theo quy định và đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp với quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, thì cả công ty đại chúng và đơn vị kiểm toán đều có lỗi. Khi đó, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ vi phạm, UBCK sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Những BCTC có sự chênh lệch lớn về số liệu trước và sau kiểm toán khiến nhà đầu tư bức xúc, vì họ có cảm giác bị lừa dối. Với những trường hợp này, ngoài yêu cầu doanh nghiệp giải trình, UBCK có giải pháp nào khác?
Trên thị trường có một số doanh nghiệp công bố BCTC trước và sau kiểm toán có chênh lệch lớn về số liệu. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 11, Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, khi có sự chênh lệch số liệu vượt quá 5% trước và sau kiểm toán, công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải giải trình ngay nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu, đồng thời với công bố BCTC.
Trên cơ sở giải trình của doanh nghiệp, nếu UBCK có cơ sở để khẳng định số liệu chênh lệch có nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, hành vi này sẽ bị coi là công bố thông tin không chính xác, khi đó UBCK sẽ xem xét và xử lý theo quy định. Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận BCTC, UBCK sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, hoặc thanh tra đột xuất để làm rõ. Một số trường hợp có dấu hiệu phạm tội, UBCK sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định.
Các cổ đông của công ty đại chúng, với vai trò là chủ sở hữu doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò giám sát doanh nghiệp, quyết định các vấn đề quan trọng của công ty theo thẩm quyền quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty để đảm bảo tính hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của mình, cũng như giúp công ty đại chúng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đặc biệt là trong huy động vốn và sử dụng vốn.
UBCK có giải pháp nào để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán BCTC của công ty đại chúng?
Để nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của công ty đại chúng, việc tăng cường công tác giám sát chất lượng công bố thông tin BCTC được kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng.
Từ ngày 1/1/2016, UBCK đã thành lập Vụ Giám sát công ty đại chúng, trong đó có chức năng giám sát, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của các tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán đối với các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời giám sát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng.
Thời gian qua, UBCK đã phối hợp với Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện nhiều đợt kiểm tra, làm việc với các công ty kiểm toán. Qua công tác kiểm tra, giám sát, một số trường hợp vi phạm đã được phát hiện và UBCK kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp này để đảm bảo tính răn đe và sự công bằng đối với các thành viên tham gia thị trường.
Thời gian tới, UBCK tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc công bố BCTC đã được kiểm toán, thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và bất thường các công ty đại chúng, công ty kiểm toán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch trong công bố BCTC của các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.