Ủy ban Chứng khoán: Sẽ nghiên cứu, đánh giá toàn diện việc đặt lệnh bằng thuật toán, robot
Lệnh theo thuật toán, robot hay lệnh tần suất cao đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện từ quy định pháp lý, đến thực tiễn hệ thống công nghệ toàn thị trường và cả hệ thống công nghệ của từng công ty chứng khoán.
Trong văn bản gửi tới các công ty chứng khoán mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã yêu cầu các đơn vị này rà soát và dừng ngay việc sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn.
Liên quan vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong đặt lệnh giao dịch trực tuyến là một xu thế của ứng dụng công nghệ vào tài chính, giúp tăng thanh khoản, đem lại lợi ích cho thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nên nghiên cứu để áp dụng.
Phản hồi thông tin, đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý luôn ủng hộ và tạo điều kiện để các tổ chức kinh doanh chứng khoán ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tạo ra sản phẩm mới hoặc đa dạng hình thức kinh doanh.
Tuy nhiên, với đặc thù của lĩnh vực chứng khoán, tất cả những sáng tạo, ứng dụng mới trong kinh doanh đều phải đảm bảo nhiều yếu tố như tính tuân thủ pháp lý, tính minh bạch, công bằng và quan trọng nhất là phù hợp bối cảnh thực tiễn của thị trường Việt Nam.
Theo đại diện của UBCKNN, trên thực tế, hệ thống giao dịch của HOSE đã từng xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh vì số lệnh tăng quá nhanh, chạm ngưỡng năng lực lệnh của hệ thống. Giải pháp kỹ thuật cũng đã được triển khai và đem lại sự hoạt động thông suốt của thị trường chứng khoán vài năm gần đây.
Do đó, việc cơ quan quan quản lý yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát và dừng ngay việc áp dụng lệnh tần suất lớn bằng robot là giải pháp cần thiết, mang tính chủ động để đảm bảo sự thông suốt, an toàn, tránh những tác động tiêu cực khó lường lên thị trường chung, cũng như lợi ích chung của các nhà đầu tư.
Theo thông tin từ đại diện UBCKNN, việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến cũng đã được một số thị trường chứng khoán trên thế giới áp dụng hoặc áp dụng thử nghiệm.
Đây là xu thế của công nghệ mới và tùy thuộc vào từng điều kiện pháp lý, cũng như hạ tầng công nghệ của từng thị trường chứng khoán mà cơ quan quản lý thị trường nước sẽ quyết định áp dụng hay không hoặc áp dụng ở mức độ nào.
Với thị trường Việt Nam, lệnh theo thuật toán, robot hay lệnh tần suất cao đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện từ quy định pháp lý, đến thực tiễn hệ thống công nghệ toàn thị trường và cả hệ thống công nghệ của từng công ty chứng khoán.
“Mục tiêu của cơ quan quản lý là điều hành hoạt động của thị trường đúng pháp luật, đảm bảo thị trường có thanh khoản, thông suốt, ổn định, an toàn, công bằng và minh bạch.
Chính vì vậy, các giải pháp dịch vụ, sản phẩm mới luôn được nghiên cứu, khuyến khích nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn từng giai đoạn phát triển và quan trọng hơn hết là phải vì mục tiêu chung của thị trường và lợi ích của đại đa số các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm cả các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch và nhà đầu tư” – lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.
Theo văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi các công ty chứng khoán, căn cứ vào quy định về giao dịch chứng khoán trực tuyến tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Thông tư số 73/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, việc sử dụng các công nghệ trên để đặt lệnh chưa được phép thực hiện.
Vì vậy, UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động; đồng thời có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hình thức đặt lệnh tự động và yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt việc sử dụng hình thức trên (nếu có) khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.
UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán nghiêm túc thực hiện và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề trên.