Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với PVN về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường
Ngày 30/7, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tham gia Đoàn Giám sát, còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Trần Văn Minh, Nguyễn Vinh Hà; Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến; Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng; Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn; cùng các thành viên Ủy ban KHCN&MT; đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đại diện lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương).
Về phía PVN có Thành viên HĐTV Nguyễn Hùng Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban KHCN&MT Tập đoàn Tạ Quang Huy cho biết, trong những năm qua, việc tuân thủ đầy đủ các chính sách, quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) nói riêng và An toàn - Sức khỏe - Môi trường (ATSKMT) nói chung luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên.
PVN tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định pháp luật về BVMT theo đúng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, PVN thường xuyên có văn bản chỉ đạo, phổ biến và hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; triển khai tích cực các chính sách, chỉ thị về công tác môi trường của Đảng, Chính phủ và bộ ngành Trung ương và các phong trào bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, hằng năm PVN luôn chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng các phong trào BVMT như Ngày môi trường thế giới; Giờ trái đất…
Ngoài ra, các văn bản pháp luật mới về ATSKMT luôn được PVN và các đơn vị thành viên kịp thời phổ biến, tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện cho cán bộ chuyên trách ATSKMT và người lao động để tổ chức thực hiện.
Với sự quản lý, hỗ trợ từ PVN, đến nay hầu hết các đơn vị, nhà thầu dầu khí đều đã lập danh mục các tài liệu pháp luật cần tuân thủ và tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm theo các hình thức thực hiện đa dạng như giao cho bộ phận ATSKMT chuyên trách, bán chuyên trách quản lý chất lượng hệ thống hoặc ký kết với doanh nghiệp có chức năng liên quan… đảm bảo việc cập nhật đúng và đầy đủ quy định pháp luật ATSKMT trong toàn Tập đoàn. Ngoài ra, PVN luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và hoàn thiện các tài liệu pháp luật về quản lý an toàn, sức khỏe, nghề nghiệp, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo an toàn cho con người, môi trường và tài sản trong toàn bộ hoạt động dầu khí; chủ động thực hiện các nghiên cứu đề xuất, góp ý với các cơ quan quản lý nhà nước ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường dầu khí.
Hệ thống quản lý ATSKMT của PVN được duy trì và liên tục cải tiến, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và quy định hiện hành. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên PVN xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý ATSKMT theo tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001; vừa để phục vụ quản lý công tác ATSKMT của đơn vị theo chuẩn quốc tế, vừa đảm bảo kết nối xuyên suốt với hệ thống quản lý ATSKMT của PVN để áp dụng đầy đủ các chỉ đạo và hướng dẫn về công tác BVMT do PVN ban hành.
Các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của PVN đều được thiết kế, đầu tư xây dựng các công trình BVMT (công trình xử lý nước thải, khí thải; công trình lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại) theo quy định của pháp luật. Các công trình này đều được thiết kế, xây lắp, vận hành và bảo dưỡng đúng cam kết đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, đảm bảo các nguồn thải đều được thu gom, xử lý, giám sát chất lượng, tuân thủ quy định, tiêu chuẩn/quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Việc giám sát môi trường được PVN triển khai chặt chẽ về cả môi trường nước, không khí và trầm tích. Công tác này được thực hiện theo hệ thống, lưu hồ sơ, báo cáo theo quy định. Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị thành viên thường xuyên cập nhật các nguồn thải từ hoạt động của mình, từ đó xác định rõ những rủi ro và tác động môi trường để thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp.
Ngoài ra, hàng năm PVN thường xuyên chủ động hoặc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSMT tại các đơn vị thành viên và các nhà thầu dầu khí, nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục các vấn đề tồn tại. Qua kiểm tra, mặc dù còn một vài lỗi vi phạm liên quan đến các thủ tục hành chính nhưng nhìn chung các đoàn thanh, kiểm tra đánh giá cao các kết quả thực hiện công tác BVMT của PVN và các đơn vị thành viên.
Có thể thấy, với hệ thống quản lý ATSKMT được thiết lập theo các chuẩn mực quốc tế cộng với quyết tâm cao của lãnh đạo PVN trong công tác BVMT, hơn 30 năm qua, PVN đã kiểm soát tốt công tác BVMT và chưa để xảy ra bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định, chính sách về BVMT liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, PVN cũng gặp một số khó khăn vướng mắc. Có thể kể đến hiện nay là việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp khó khăn do giá thành vận chuyển tới nơi tiêu thụ cao, trong khi đó chưa có cơ chế cho phép hạch toán chi phí vận chuyển, xử lý tro, xỉ thải vào giá thành sản phẩm dẫn đến các nhà máy chưa có nguồn kinh phí để thực hiện, nên việc chuyển giao tro, xỉ tới nơi tiêu thụ bị hạn chế. Hay công tác nhận chìm vật liệu nạo vét khi thực hiện các dự án nạo vét cảng, luồng lạch tại các đơn vị của PVN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và hầu như không thể thực hiện được do nội dung kỹ thuật phục vụ việc thẩm định hồ sơ cấp phép nhận chìm ở biển chưa được quy định đầy đủ, dẫn đến việc thẩm định kéo dài, không thống nhất giữa các bộ, ngành địa phương liên quan…
Với những khó khăn đó, nhân dịp này PVN đề xuất, kiến nghị Ủy ban KHCN&MT có tiếng nói, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương xem xét, hỗ trợ, có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Trong đó, PVN kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế tài chính đồng bộ, phù hợp để tạo điều kiện cho công tác tiêu thụ, chuyển giao và tái sử dụng tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện như cho phép hạch toán chi phí chuyển giao tro, xỉ thải vào giá điện, ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dịch vụ tiêu thụ và xử lý tro, xỉ…
Đồng thời, PVN cũng kiến nghị các Bộ ngành sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam để giải quyết vấn đề về nhận chìm chất liệu nạo vét; công bố quy hoạch các khu vực vùng biển được phép tiến hành nhận chìm vật liệu nạo vét; xem xét, ban hành quy định sửa đổi QCVN 36:2010 cho phù hợp với thực tế hiện nay của hoạt động dầu khí…
Phó trưởng Ban Kinh tế Đầu tư Tập đoàn Mai Văn Cảnh báo cáo với đoàn giám sát tổng quan hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, lĩnh vực công nghiệp khí, công nghiệp điện, lĩnh vực chế biến, lĩnh vực dịch vụ dầu khí.
Tại buổi làm việc, Thành viên HĐTV Nguyễn Hùng Dũng nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc sửa đổi Luật Dầu khí, thực tế mẫu hợp đồng không còn hấp dẫn, thu hút các nhà thầu dầu khí quốc tế; về chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí, điều chỉnh luật liên quan đầu tư công; về kiến nghị xem xét tổng thể các luật, thống nhất giữa các luật liên quan đến hoạt động dầu khí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc thông tin thêm đến Đoàn Giám sát về vấn đề nạo vét tại các cảng biển, kiến nghị các bộ, ban ngành liên quan thực hiện nhanh các quy định, hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Trần Văn Minh ghi nhận và trân trọng đóng góp của PVN cùng các đơn vị cũng như chia sẻ khó khăn hiện nay mà ngành Dầu khí đang gặp phải. Đồng chí Trần Văn Minh cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm về công tác BVMT, sự quan tâm, cách tổ chức, quản lý bài bản, có hệ thống. Đặc biệt là PVN đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng nhất từ Tập đoàn đến tất cả các đơn vị thành viên, nhiều năm qua không có sự cố đáng tiếc về môi trường.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, qua 2 ngày làm việc khoa học, thảo luận, nghiên cứu báo cáo, Đoàn đánh giá rất cao những đóng góp to lớn mà PVN đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Trong quá trình hoạt động PVN đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ tất cả các lĩnh vực được Nhà nước giao, từ công tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện đến chế biến, tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ dầu khí… Những đóng góp của PVN luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Đồng chí Phan Xuân Dũng chia sẻ, những khó khăn, kiến nghị của PVN, các đơn vị nêu lên Đoàn đã ghi nhận và cho rằng phần lớn các ý kiến là xác đáng. Những kiến nghị của PVN cũng như đơn vị sẽ được Đoàn phản ánh, làm việc với các bộ, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
"Trong thời gian tới, PVN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng PVN sẽ vượt qua tất cả khó khăn thách thức để luôn vững mạnh, giữ vị thế là Tập đoàn kinh tế đầu tàu, tiếp tục phát huy truyền thống của một đơn vị anh hùng, xứng đáng là đơn vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu quý trong suốt chặng đường 60 năm qua", Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.