Ủy ban Kiểm tra đảng phát hiện 239 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập
Kiểm soát tài sản, thu nhập là một nội dung mới được Ủy ban Kiểm tra đảng đưa vào tổng kết năm 2023.
Sáng 27-12, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy một nội dung mới được báo cáo là công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Đây là một công việc mới được Ủy ban Kiểm tra các cấp triển khai năm qua, trên cơ sở thực hiện Luật PCTN 2018 cũng như triển khai Quyết định 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Quy chế 56 phân luồng thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập cho Ủy ban Kiểm tra ba cấp Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy và tương đương theo nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ của Đảng. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tài liệu cung cấp tới báo chí cho thấy trong năm qua, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 7.393 đảng viên. Qua đó kết luận 239 trường hợp có vi phạm, khuyết điểm – tương đương 3,23% số đảng viên được kiểm tra.
Vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra ở các dạng như giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, rõ ràng; kê khai không đầy đủ thông tin, không thống nhất, không đúng mẫu, hình thức quy định.
Hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát năm qua cũng có những nét mới. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quy định số 110-QĐ/TW tháng 7-2023 về luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra Đảng; Quy định 117-QĐ/TW tháng 8-2023 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; Quy định số 131-QĐ/TW tháng 10-2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Về nhiệm vụ năm 2024, hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tham mưu để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; quy trình xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Cùng với đó là tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tham mưu xây dựng các đề án quy định về thu hồi tài sản, thu nhập do tham nhũng, tiêu cực; quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; quy định về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng.
Ở mảng công tác kiểm tra, giám sát, trong năm tới, Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, nội bộ mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‟tự diễn biến”, ‟tự chuyển hóa”; vi phạm trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín.
Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và PCTNTC.