Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói gì về 3 vấn đề 'nhạy cảm' của Luật Đất đai (sửa đổi)?

Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), có 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau được cho là phức tạp, nhạy cảm mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội sáng 1/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Cụ thể: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”.

"Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự thảo Luật, tránh phân tích định tính, đặc biệt đối với 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, trường hợp có chính sách mới được bổ sung so với giai đoạn đề nghị xây dựng Luật thì cần bổ sung đánh giá tác động.

Trong đó, về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 181), Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tuy nhiên, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể về mức độ nới rộng hạn mức.

Việc quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tối đa và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương là cần thiết, đồng thời đề nghị bổ sung quy định cơ chế giám sát để quản lý việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh trường hợp lợi dụng chuyển sang mục đích khác.

Về vấn đề này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị không quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giao địa phương quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương. "Ủy ban Kinh tế xin báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nội dung này" - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (Điều 57), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với việc nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động, nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phù hợp điều kiện thực tiễn, đi kèm điều kiện, quy định kiểm soát để tránh lợi dụng chính sách, thu gom đất trồng lúa nhằm mục tiêu đầu cơ nhưng không sản xuất nông nghiệp, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Về bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” (Điều 44): Việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền hằng năm, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm.

Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, cần được làm rõ. Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.

"Đề nghị đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng" - ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi-noi-gi-ve-3-van-de-nhay-cam-cua-luat-dat-dai-sua-doi-225370.html