Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ lưỡng các tác động kinh tế - xã hội, cân nhắc thận trọng việc đưa dự án nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo Ủy ban Kinh tế, dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ủy ban này tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ, nhất là về thu hồi đất, trưng dụng đất.
Cụ thể, về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 85) Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc các trường hợp “làm công trình văn hóa, thể thao” , “làm nhà an dưỡng”, “làm nhà khách”.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, so với Luật Đất đai năm 2013, trường hợp thu hồi đất để làm nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân là trường hợp mới bổ sung. Hiện nay các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách có thể được sử dụng vào mục đích lưỡng dụng, phục vụ cả quốc phòng và dân dụng. Nếu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để xây dựng những công trình này nhưng sau đó sử dụng vào mục đích dân dụng dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Ngoài ra, cũng cần xem xét khả năng lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách với khu vực dân sự để tránh phải thu hồi đất, gây lãng phí, cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí.
Dự thảo Luật đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên, phạm vi được quy định còn rộng, chưa cụ thể tiêu chí, cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi; quy định một cách cụ thể, rõ ràng các loại dự án, tránh quy định quá rộng, chung chung.
Theo đó, cần rà soát các trường hợp: “dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch” ; “dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp” ; “dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung” ; “dự án đô thị”; “dự án khu dân cư nông thôn”; “dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở”; “dự án lấn biển” ; “dự án khai thác khoáng sản”; “dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”...
"Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng", cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Ủy ban của Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ lưỡng các tác động kinh tế - xã hội, sự phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW và cân nhắc thận trọng việc đưa dự án nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, khái niệm “dự án đô thị” là thuật ngữ mới, là nội dung mới được đưa vào điều luật khi xác định Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng, do đó, cần làm rõ nội hàm và có giải thích cụ thể.
Về bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” (Điều 44) - vấn đề được Chính phủ tách riêng xin ý kiến, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền hằng năm, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm.
Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, cần được làm rõ. Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.
Cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng.