ỦY BAN KINH TẾ HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 7 THẨM TRA TỜ TRÌNH VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC

Chiều 10/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7 để thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Cùng dự phiên họp có: các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan. Về phía các địa phương có dự án đi qua có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang.

Ủy ban Kinh tế hoàn phiên toàn thể lần thứ 7

Ủy ban Kinh tế hoàn phiên toàn thể lần thứ 7

Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các nội dung xem xét tại phiên họp lần này là rất cấp bách để chuẩn bị cho phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, hơn 17 năm kể từ năm 2004 đến nay khi đất nước triển khai tuyến cao tốc đầu tiên, đến nay trên cả nước có tổng 1163 km đường cao tốc, chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2020 cả nước có 2000 km đường cao tốc.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt 67/141 thế giới, trong đó chỉ riêng chỉ tiêu kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đứng thứ 103 dẫn đến kéo chỉ số năng lực cạnh tranh xuống. Trong khu vực Đông Nam Á, nước ta cũng chỉ đứng thứ 7. Thời gian qua dù Đảng, Nhà nước quan tâm có nhiều chủ trương, định hướng, bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng nhưng so với nhu cầu phát triển còn nhiều thách thức.

Đại hội Đảng lần thứ 13 đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đưa ra định hướng trong hai nhiệm kỳ tới dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; đồng thời đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2030, cả nước có 5000km đường cao tốc để kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh và dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Lần này, Chính phủ tiếp tục có các Tờ trình trình Quốc hội xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Qua rà soát các văn bản của cấp có thẩm quyền về chủ trương định hướng đầu tư kết cấu hạ tầng cho thấy, tại Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại phấn đầu hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2030 hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ với hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông,...tuyến Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng. Kết luận 27-KL/TW của Bộ Chính trị thực hiện nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ là mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021- 2030, định hướng 2050 cũng xác định đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu. Trong đó, tuyến cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu có chiều dài 54 km, quy mô 6-8 làn xe. Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 130km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km, quy mô 6 làn. Quy hoạch 3 dự án này hoàn thành trước năm 2030.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu.

Các đại biểu đã tập trung xem xét hồ sơ dự án, tính cấp thiết cần thiết, sự phù hợp của các dự án với Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt; phương án thiết kế sơ bộ, thực hiện giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư; việc bố trí vốn và khả năng cân đối vốn; hình thức đầu tư và tác động của dự án đến các tuyến song hành và các cơ chế chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất thực hiện nhằm triển khai dự án.

Các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết, tính cấp bách của việc đầu tư cả 3 dự án. Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, các bộ và địa phương có dự án đi qua đã chủ động rà soát để bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ, nguồn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, nguồn từ ngân sách địa phương…Song các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi, khả năng bố trí và cân đối vốn, cam kết bố trí vốn từ các địa phương phải theo đúng quy định là thẩm quyền thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Cùng với đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình làm rõ đề xuất hình thức đầu tư công đối với 3 dự án. Nhiều ý kiến cho rằng đối với dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu có khả năng thu hút đầu tư tư nhân cùng tham gia thực hiện dự án, hoàn toàn có thể đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Về các cơ chế chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện dự án, các đại biểu cơ bản nhất trí với các đề xuất như cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án; cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính các tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục báo cáo làm rõ nhu cầu sử dụng đất của các dự án có bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, việc chuyển mục đích sử dựng rừng theo đúng thẩm quyền; đánh giá tác động của các dự án này đến các dự án BOT đang thực hiện; sớm quy hoạch phát triển vùng hai bên đường dự án đi qua để khai thác hết tiềm năng của dự án; tính toán đến việc bảo đảm vật liệu thi công dự án./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64398