Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: 'Không bỏ rơi người yếu thế'
LTS: Lúc dịch lây lan và bùng phát thì những người nghèo, người yếu thế trong xã hội rất dễ bị tổn thương, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Dịch bệnh xảy ra, tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn được thực thi một cách nhanh chóng…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
“Hoàn thiện chính sách để ban hành sớm, bởi việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong đại dịch rất cấp bách, để người yếu thế không thấy mình bị bỏ rơi, là nhiệm vụ cấp thiết thời gian này” - bà Phan Thị Vi Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, đã chia sẻ cùng với phóng viên Báo Bình Thuận.
Thưa bà, UBMTTQ Việt Nam trong thời gian qua đã kêu gọi mọi sự đóng góp từ xã hội và nhận sự đồng thuận rất cao, điều này cho thấy vai trò của đoàn thể có vị trí nhất định, trong bất cứ tình huống nào?
Bà Phan Thị Vi Vân: Hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát động kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đến thời điểm này đã vận động được hơn 2,2 tỷ đồng, 10.575 kg gạo, 52 thùng mì tôm, 3.000 khẩu trang vải. Chuyển giao cho CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh) 27.500 khẩu trang y tế, các lực lượng tuyên truyền viên trong hệ thống MTTQ tại cơ sở của 124/124 xã, phường, thị trấn, các huyện và thành phố 17.500 khẩu trang y tế. Từ nguồn vận động này UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chuyển cho Bệnh viện tỉnh và Trung đoàn 812 (mỗi đơn vị 50 triệu đồng), chuyển 3 khu vực đang cách ly F1, F2 Trường Quân sự tỉnh 2 tấn gạo, Trung đoàn 812 3 tấn gạo, 5 xã, phường Phan Thiết 3 tấn gạo; Bệnh viện đa khoa tỉnh 5.000 khẩu trang y tế, 300 bộ đồ bảo hộ y tế, 100 chai nước rửa tay sát khuẩn.
Như vậy, gần 1 tháng giữa đại dịch, bài học từ sự chung tay trong công cuộc phòng chống dịch và ý nghĩa của nó trong vai trò kết nối?
Bà Phan Thị Vi Vân: Qua thời gian ngắn phát động với những kết quả ban đầu đã cho thấy vai trò của UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong việc huy động sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc cùng Đảng và Nhà nước phòng chống và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh. Hơn nữa, để tạo sự tin tưởng và đồng tình ủng hộ của nhân dân, Mặt trận các cấp đã tăng cường công tác nắm tình hình, dư luận trong nhân dân để phát hiện, báo cáo các ngành chức năng xử lý kịp thời những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh, không để lan rộng. Phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra xử lý những tổ chức, cá nhân có thái độ thiếu hợp tác với chính quyền trong công tác phòng chống dịch như việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, khai báo y tế... theo chỉ đạo của UBND tỉnh; giám sát việc tiếp nhận và phân phối các nguồn hàng cứu trợ nhằm đảm bảo việc công khai dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Có một sự ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở những vùng dịch, khu vực cách ly mà những hộ nghèo, cận nghèo, người lao động cũng đang đứng trước khó khăn, UB MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ những gì, thưa bà?
Bà Phan Thị Vi Vân: Đây là một thực tế mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chúng ta đều nhìn thấy rõ, đặc biệt là với các đối tượng yếu thế trong xã hội vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Huống gì trong thời điểm đại dịch như hiện nay, khi mà thực hiện giãn cách xã hội họ chính là các đối tượng đầu tiên khó khăn gấp bội trong việc thực hiện đúng chủ trương hiện nay như: Không đi bán vé số, không mở các hàng quán, không chạy xe ôm… Và trong tình hình đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận hỗ trợ trực tiếp cho người bán lẻ vé số trên địa bàn tỉnh 50.000 đồng/người/ngày, với thời gian hỗ trợ 15 ngày. Và UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng đang xin chủ trương cân đối nguồn quỹ “Vì người nghèo” để có đề xuất hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Đồng thời qua kêu gọi sự chung tay, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã hỗ trợ trực tiếp cho bà con nghèo trong toàn tỉnh những suất quà ấm áp nghĩa tình thiết thực từ tiền mặt, gạo, mì tôm, lương thực cần thiết… trị giá hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình vận động và đưa ra biện pháp hỗ trợ sẽ gặp những khó khăn trong thời điểm hiện tại và giải pháp để đảm bảo sự đóng góp đúng mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động là như thế nào? Thưa bà?
Bà Phan Thị Vi Vân: Trước mắt cùng với chủ trương chung của Chính phủ hỗ trợ cho người lao động bị hoãn hợp đồng lao đồng, nghỉ không lương, người bị ảnh hưởng trực tiếp và người có công. Đặc biệt hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ nghèo trong 3 tháng để đảm bảo an sinh xã hội trong lúc khó khăn thì UBMTTQ Việt Nam các cấp áp dụng quy chế chi tiêu từ quỹ “Vì người nghèo” sẽ bàn giải pháp thực hiện hỗ trợ sản xuất, tạo cần câu cho hộ nghèo, cận nghèo. Các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi, hỗ trợ phát triển sản xuất giống, con giống vật nuôi chủ lực để giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vượt qua khó khăn trong mùa dịch và vươn lên thoát nghèo.
UBMTTQ Việt Nam các cấp phải thể hiện vai trò của mình trong công tác tuyên truyên, biến thông tin thành sức mạnh tổng hợp; vận động, giám sát công tác phòng chống cũng như nguồn quỹ vận động ủng hộ dịch Covid-19 để cùng với Ban Chỉ đạo tỉnh phân phối công khai, minh bạch, đúng đối tượng và kịp thời, tạo niềm tin cho nhân dân để góp phần cùng cả nước và tỉnh nhà vượt qua dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Xin cảm ơn bà!
Thế Nhân (thực hiện)