ỦY BAN PHÁP LUẬT BÁO CÁO THẨM TRA SƠ BỘ VỀ DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

Chiều 22/04, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Về cơ bản, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật và nhận thấy, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú... để bảo đảm các quy định này không gián tiếp tạo thành các rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các Luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hồ sơ được gửi đến Cơ quan thẩm tra còn chậm, chưa đúng thời hạn theo quy định. Bên cạnh đó, một số tài liệu trong hồ sơ chưa bao quát đầy đủ nội dung theo yêu cầu sửa đổi Luật. Báo cáo tổng kết thi hành Luật chưa tổng kết thực tiễn thi hành một số vấn đề lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật như về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, về công tác quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú... Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật được thực hiện theo hai nhóm chính sách lớn nhưng một số nội dung, chính sách cụ thể, quan trọng được dự kiến sửa đổi, bổ sung lại chưa được đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện. Báo cáo đánh giá tác động cũng như Tờ trình chưa dự kiến cụ thể về nguồn nhân lực và kinh phí bảo đảm cho việc triển khai thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua; một số nội dung, số liệu còn chưa thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động chính sách đầy đủ, toàn diện; rà soát kỹ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu tác động trực tiếp để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Tuy nhiên, về thời điểm trình Quốc hội thì còn có hai loại ý kiến.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, do hồ sơ dự án Luật còn một số nội dung quan trọng cần được bổ sung hoàn thiện, việc triển khai thi hành Luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021), đồng thời việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam cũng khó có thể hoàn thành sớm nên chưa nhất thiết phải trình Quốc hội thông qua dự án Luật này ngay trong năm 2020. Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội có thể phải rút ngắn hơn so với kế hoạch dự kiến. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11; trước khi trình Quốc hội sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khác.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ, theo đó dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ thúc đẩy việc triển khai các công việc cần thiết để khi Luật có hiệu lực sẽ thi hành được ngay. Trong quá trình từ nay đến khi trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ bảo đảm đầy đủ, đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật trân trọng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật này./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=44931