Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với tỉnh Thanh Hóa về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Chiều 26-8, Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và thành lập thị trấn Nưa, thuộc huyện Triệu Sơn. Các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phát biểu kết luận buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ; các sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2019-2021, Thanh Hóa sẽ thực hiện sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn không đủ 50% tiêu chí về diện tích và dân số, điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã thuộc 26 huyện, thị xã, thành phố để thành lập 67 xã, phường, thị trấn; thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh, thuộc huyện Triệu Sơn. Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, báo cáo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập thị trấn Nưa, thuộc huyện Triệu Sơn.
Trong quá trình thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư... Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị; sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp dôi dư; phương án sử dụng công sở, trụ sở làm việc và chuyển đổi một số loại giấy tờ cơ bản của công dân tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.
Đồng chí Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, phát biểu tại buổi làm việc.
Cụ thể, đối với tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức khác sẽ sắp xếp tương ứng với ĐVHC mới theo quy định của điều lệ đảng, điều lệ đoàn thể chính – trị xã hội và hướng dẫn của tổ chức ngành dọc cấp trên. Tổ chức HĐND, UBND của ĐVHC mới sẽ thực hiện theo Điều 134, Điều 137 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các trường học sẽ giữ ổn định để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học. Trạm y tế sẽ thực hiện nhập nguyên trạng nhưng vẫn duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh tại các vị trí cũ.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tại 143 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, có 2.842 cán bộ, công chức. Trong đó cán bộ cấp xã dự kiến bố trí đúng số lượng theo quy định là 737 người, công chức cấp xã nhập nguyên trạng 1.476 người; tạm dừng tuyển dụng công chức, bổ nhiệm viên chức quản lý tại các địa phương thực hiện sắp xếp. Trên 1.300 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sẽ bố trí, sắp xếp đến các đơn vị cấp xã còn thiếu 555 người; tiếp nhận, bố trí làm công chức 147 người; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp 10 người; nghỉ hưu theo quy định 332 người; thực hiện tinh giản 264 người.
HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Nghị quyết số 181 ngày 10-7-2019, về chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp dôi dư. Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã, viên chức trạm y tế cấp xã dôi dư sẽ được hỗ trợ 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi và hỗ trợ một lần 12 tháng tiền lương đối với trường hợp thôi việc ngay. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ được hỗ trợ 3 tháng phụ cấp của chức danh trước khi nghỉ việc, ngoài ra, cứ có đủ 30 tháng công tác thì được hỗ trợ thêm 1 tháng phụ cấp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn phát biểu tại buổi làm việc.
Ngay những ngày đầu triển khai sắp xếp ĐVHC cấp xã, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương không đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các ĐVHC cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp. UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định sử dụng công sở sau khi tham khảo ý kiến của UBND cấp xã, đảm bảo sử dụng tất cả cơ sở vật chất phục vụ công việc của địa phương, tạo thuận lợi cho giao dịch hành chính của nhân dân và quản lý của chính quyền. UBND các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành thực hiện chuyển đổi giấy tờ cho người dân, tổ chức phục vụ tại xã và không thu lệ phí khi cấp đổi sổ hộ khẩu (ngân sách tỉnh hỗ trợ lệ phí đổi sổ).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ trình bày báo cáo kết quả thực hiện Đề án thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn.
Thành viên Đoàn công tác của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Nội vụ đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc các bước sắp xếp các ĐVHC cấp xã, xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập công phu, chi tiết, đảm bảo quy định. Với việc sáp nhập 143 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị, tương đương với quy mô của một tỉnh nhỏ, với số lượng cán bộ, công chức phải sắp xếp hơn 2.000 người cho thấy sự nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sau khi Thanh Hóa có tờ trình, hồ sơ, đề án báo cáo Chính phủ và Bộ Nội vụ, Hội đồng thẩm định liên ngành của Trung ương đã tiến hành thẩm định và thống nhất thông qua hồ sơ, đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của Thanh Hóa và việc thành lập thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn. Theo quy trình, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành tại hội nghị thẩm định, chỉ đạo huyện, xã làm tốt công tác tư tưởng về thực hiện sáp nhập. Chia sẻ những khó khăn trong sắp xếp cán bộ, tên gọi, tổ chức lấp ý kiến cử tri, bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, các thành viên đoàn công tác sẽ cùng với tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt nhanh nhất. Đồng thời đề nghị tỉnh làm rõ lý do vì sao, sau sắp xếp, Thanh Hóa vẫn còn 53 xã chưa đạt 100% các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, vấn đề quản lý và sáp nhập các thị trấn khu vực miền núi, nguồn kinh phí hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng giải đáp một số vấn đề trong sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Để có thể thực hiện mục tiêu về sáp nhập ĐVHC cấp xã, chuẩn bị cho đại hội cơ sở, trên cơ sở Nghị quyết số 37, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 58, trong đó yêu cầu chi tiết về thời gian thực hiện các công việc cụ thể mà các cấp, các đơn vị phải thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định hướng, chính sách. UBND tỉnh cũng giao các ban, ngành, các đơn vị cấp tỉnh vào cuộc trực tiếp hướng dẫn các địa phương về sắp xếp, sáp nhập đối với từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính không gây xáo trộn nhiều đối với đời sống nhân dân. Do có sự chỉ đạo tập trung nên trong vòng 4 tháng, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện xong Đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã. Đối với 6 xã có ý kiến cử tri đồng thuận thấp (từ 50- 76%), qua tìm hiểu cho thấy, chủ yếu người dân không đồng thuận về lấy tên đơn vị mới sau sáp nhập, đặt vị trí trung tâm xã mới, bố trí cán bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện tổ chức giải trình, lắng nghe ý kiến nhân dân; tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc của người dân, đến nay, đã nhận được sự đồng thuận cao.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá cao sự vào cuộc nỗ lực, khẩn trương tích cực thực hiện việc rà soát, sáp nhập ĐVHC cấp xã của hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa; đồng thời nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ này, việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới các ĐVHC là vấn đề lớn, được Quốc hội, Chính phủ triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã hoàn chỉnh đề án, hồ sơ sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019- 2021 trình Chính phủ. Quá trình thực hiện của tỉnh đúng đường lối, đúng pháp luật, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất với phương án trước mắt về việc giữ nguyên các đơn vị trường, lớp và điểm chữa bệnh. Tuy nhiên tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện, xã cần đặc biệt quan tâm đến phương án sắp xếp trường, lớp và các trạm y tế, đảm bảo các yếu tố thuận tiện cho học sinh và người dân, động viên đội ngũ cán bộ sau khi sắp xếp, thận trọng trong bố trí, sử dụng các trụ sở cũ đảm bảo hài hòa, đúng pháp luật, tránh để các thế lực xấu lợi dụng, kích động… Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu tỉnh Thanh Hóa sớm hoàn chỉnh hồ sơ, đề án báo cáo theo đúng yêu cầu để Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị, để từ 1-12 các ĐVHC cấp xã hoạt động theo ĐVHC mới.